TPHCM thông đường 12 làn xe
Toàn tuyến của dự án khi hoàn thành vào năm 2014 dài 13,6km, gồm 12 làn xe. Riêng đoạn từ đường Trường Sơn ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 1,53km gồm đường Bạch Đằng và Hồng Hà (Q.Tân Bình) mỗi đường ba làn xe.
Đoạn từ nút giao Gò Dưa đến ngã tư Linh Xuân (Thủ Đức) dài 3,9km, sáu làn xe. Sau lễ thông xe đợt 1 sáng nay, con đường này sẽ được đặt tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài gặp nhiều trắc trở trong suốt 16 năm qua, kể từ khi có chủ trương đầu tư dự án vào năm 1996. Tháng 9-1997, Thủ tướng đã chấp thuận giao cho UBND TPHCM đàm phán với Công ty Multi-Usage Holdings Berhad (MUH) của Malaysia thực hiện.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế châu Á nặng nề nên đối tác Malaysia dừng thực hiện dự án. Mãi đến bảy năm sau, năm 2004, Công ty LG Engineering & Construction (nay là Công ty GS Engineering & Construction - GS E&C, Hàn Quốc) mới ký kết bản ghi nhớ với UBND TP.HCM và đầu năm 2005 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của UBND TP.HCM giao GS E&C thực hiện dự án. Ngày 9-6-2008, GS E&C làm lễ động thổ xây dựng công trình với tổng vốn đầu tư 494,9 triệu USD, trong đó vốn xây lắp là 129,5 triệu USD, đền bù giải tỏa 281,3 triệu USD.
Việc thông xe đợt 1 dự án và trong tương lai thông xe toàn bộ dự án sẽ không chỉ mở thêm một tuyến đường quan trọng đến sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân cả một khu vực rộng lớn ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Trên tuyến đường này có nhiều cầu (cầu Gò Dưa, cầu Rạch Lăng, cầu cạn vượt quốc lộ 13, cầu Bình Lợi...), nhiều nút giao thông...
Trong 13 nút giao thông được xây dựng trên toàn tuyến, nút giao thông Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) có quy mô lớn nhất với vòng xoay có bán kính 42m, mặt đường rộng 18m cho bốn làn xe và vỉa hè rộng 5m.
Nút giao thông quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức) gồm hai cầu vượt, mỗi cầu rộng 13,2m (cách nhau 2m), bên dưới có vòng xoay bán kính rộng 25m và các nhánh rẽ. Mới đây Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã trình Sở Giao thông vận tải đề xuất xây cầu vượt bằng thép dạng hình chữ Y, gồm một nhánh cầu hướng từ đường Hoàng Minh Giám đi Nguyễn Kiệm và một nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám đi Nguyễn Thái Sơn. Điều này giảm áp lực giao thông thấy rõ ở tất cả các địa điểm đường đi qua và khu vực lân cận.
Gỡ vướng để bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch
Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, mặt bằng dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài ở quận này hiện chỉ còn khu nhà máy A74 tại P.Linh Tây chưa giải tỏa được. Dự kiến đến ngày
30-10, UBND Q.Thủ Đức sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án này. Ông Châu Minh Hiếu, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho hay còn 35 trường hợp ở quận này chưa bồi thường xong do liên quan dự án mương Nhật Bản. Dự kiến đến cuối tháng 11, Tân Bình sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư.
"Mặt bằng của dự án đi qua quận Gò Vấp hiện còn vướng 47 hộ dân ở đường Nguyễn Thái Sơn (phường 3) chưa di dời" - đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp cho biết. UBND quận Gò Vấp đã tổ chức đối thoại với dân vào giữa tháng 8 vừa qua và đã báo cáo kết quả cho UBND TPHCM. Hiện vụ việc đang chờ chỉ đạo tiếp theo của UBND TPHCM nên chưa thể định được ngày bàn giao mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Như Bình - ủy viên thường trực Hội đồng thẩm định bồi thường TP.HCM, hội đồng ưu tiên gỡ vướng các chính sách về bồi thường hỗ trợ các trường hợp liên quan dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài để các địa phương có mặt bằng giao cho chủ đầu tư đúng kế hoạch.
Tuần tới, hội đồng sẽ bàn về chính sách bồi thường hỗ trợ cho khu A74 của Thủ Đức để sớm trình UBND TPHCM cách xử lý thu hồi mặt bằng khu vực này. Theo lãnh đạo đơn vị tư vấn giám sát đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, đến nay công trình này đã hoàn thành giải tỏa 98% khối lượng. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án và công trình sẽ kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giảm ùn tắc nhiều tuyến đường trong nội ô TPHCM.
Nguồn Tuổi trẻ