Thứ Ba | 24/03/2015 17:30

TP.HCM phối hợp xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015 - 2020

Hội nghị được tổ chức tại TPHCM vào ngày 25/3 tới, sẽ thu hút khoảng 350 - 400 đại biểu trong và ngoài nước tới tham dự.

Theo thông cáo báo chí, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2015, tại khách sạn REX – số 141 Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM, vào lúc 8h ngày 25/3/2015.

Tại Hội nghị, tỉnh Ninh Thuận sẽ giới thiệu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các lĩnh vực, dự án mời gọi đầu tư; các sản phẩm du lịch; các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư…

Mục tiêu chính là mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào Ninh Thuận, kết nối các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại TP.HCM.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên hợp tác các nhà đầu tư trong cụm ngành kinh tế trụ cột với 70 dự án tiềm năng ở các lĩnh vực:

Năng lượng: mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết từ 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm là đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW; phát triển các nhà máy điện gió ở các vùng tiềm năng gió theo quy hoạch quy mô từ 1.500 - 2000 MW; phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW.

Du lịch: tập trung phát triển các loại hình có tiềm năng và lợi thế như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch; với mục tiêu trở thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.

Nông nghiệp, thuỷ sản: ưu tiên mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, với việc tạo sản phẩm hàng hoá đặc trưng cho tỉnh như cây nho, cây neem…; phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi như bò, dê, cừu; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.

Sản xuất công nghiệp: phát triển theo hướng công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; tạo thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng hội nhập quốc tế; tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu.

Giáo dục - đào tạo: Ninh Thuận đang mời gọi đầu tư các dự án thành lập lập trường đại học, trường đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng và bất động sản: khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nhất là ở vùng ven biển để hình thành các khu đô thị cao cấp, khu dân cư mới, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường...

Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng phát triển về năng lượng, tài nguyên khoáng sản, du lịch, nông nghiệp,.. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khá ổn định trong giai đoạn 2010 - 2014 đạt 10,9%/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua Ninh Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 293 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận địa điểm, với tổng vốn đăng ký 95.016,8 tỷ đồng;  trong đó, có 255 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư (chiếm tỷ lệ 87% số dự án), vốn đăng ký 55.579 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 59% tổng vốn dự án).

Trong số các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có 125 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng với tổng vốn đăng ký 42.695,5 tỷ đồng; 96 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng vốn đăng ký 10.857,8 tỷ đồng và 34 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 2.025,6 tỷ đồng. 

Nguồn DVO/EdoNinhThuan