TPHCM: Phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đã chủ trì cuộc họp về định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại TPHCM.
Theo báo cáo của TS. Huỳnh Thanh Điền, dự án tư vấn Chính sách phát triển Công nghiệp Phụ trợ của Trường đại học Kinh tế TPHCM, gần 95% doanh nghiệp ở TPHCM là SME, các SME chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, người lao động. Nhưng đóng góp nhỏ về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. Đồng thời cũng là khu vực chịu nhiều tổn thất do hiệu quả thấp.
Hiện tại SME ở TPHCM đang trong vòng luẩn quẩn của hạn chế về vốn; khó tiếp cận tín dụng; khó đổi mới công nghệ; chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, năng lực cạnh tranh kém; hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ được vốn.
Các SME có cấu trúc ngành công nghiệp chủ yếu là công nghệ đơn giản, gia công, chưa làm chủ được thiết kế, hạn chế trong lắp ráp và hoàn chỉnh sản phẩm. Vì vậy, rất cần phải có nghiên cứu để định hướng phát triển và đưa ra giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn với SME. Trước hết cần phải thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp Phụ trợ (hay còn gọi là công nghiệp Hỗ trợ) và Quỹ đầu tư công nghiệp phụ trợ của TPHCM.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức tọa đàm về công nghiệp phụ trợ; tổng kết các Quỹ hỗ trợ SME; tổng kết các chương trình kích cầu để xác định được thực trạng, các chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp được thụ hưởng, phát triển đổi mới công nghệ, sản phẩm phục vụ, cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn; giúp cho các SME tiếp cận được nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ mà các doanh nghiệp lớn đang có nhu cầu cung cấp.
Nguồn DVO