TPHCM: Ngân hàng điều chuyển nguồn vốn dài hơn
Chị Nguyễn Ngọc Ngà, một viên chức ở TP.HCM, cho biết nhiều tháng qua không muốn ngó ngàng gì đến những sổ tiết kiệm để trong NH do lãi suất tiền gửi không tăng. Mặc dù chị chọn kỳ hạn 3 tháng nhưng để sổ tiết kiệm tự xoay vòng khi đến kỳ đáo hạn mà không cần phải ra làm thủ tục với NH, như vậy khoản tiết kiệm liên tục quay vòng 3 tháng một.
Lãi suất huy động co kéo kỳ hạn
Nhiều người dân có tiền tiết kiệm thời gian qua đã để hình thức lãi nhập vốn mỗi khi đến kỳ đáo hạn, để NH tiếp tục xoay vòng kỳ hạn tiền gửi. Thế nhưng do tâm lý người gửi tiền cứ muốn gửi kỳ hạn ngắn, hơn nữa giữa các kỳ hạn ngắn với kỳ hạn dài chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1 điểm phần trăm nên người gửi tiền đều có tâm lý gửi ngắn hạn, để khi cần vốn rút ra không mất lãi và dễ xoay xở.
Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP.HCM cho biết, tỷ lệ sổ tiết kiệm kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống mà NH xoay vòng đến 4-5 lần đến nay chiếm đến 60-70% tổng nguồn vốn huy động từ dân cư. Trên thực tế một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn đang nằm trong NH, chỉ khác nhau về kỳ hạn.
Thế nhưng, trong thống kê thì nguồn vốn huy động ngắn hạn trên sổ sách giấy tờ của các NH vẫn ở mức trên 80% tổng vốn huy động. Về nguyên tắc NH không thể sử dụng hết nguồn vốn này cho vay trung dài hạn, bởi các chủ tài khoản và sổ tiết kiệm có thể rút tiết kiệm bất cứ lúc nào.
Theo đó, tổng nguồn vốn huy động rất dồi dào và liên tục tăng lên trong những năm gần đây nhưng vốn dài hạn dành cho đầu tư dài hạn không nhiều. Thực trạng cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ lệ áp đảo trong các NH thời gian qua đã làm cho các NH phải xoay xở phương án kinh doanh với những sản phẩm tín dụng ngắn hạn nhiều hơn.
Theo quan sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm dân cư nằm trong NH nhưng đều là kỳ hạn ngắn, nên gần đây các NH đã chủ động tăng thêm 2-3 điểm phần trăm lãi suất huy động tiết kiệm dân cư ở những kỳ hạn từ 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng để kéo số tiền gửi các kỳ hạn 1-3 tháng lên nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Theo đó các NH có điều kiện sử dụng vốn cho vay trung dài hạn tốt hơn và đảm bảo các quy định an toàn cho hệ thống của mình.
Việc các NH chủ động dịch chuyển nguồn vốn bằng lãi suất tiền gửi này cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người gửi tiền yên tâm để vốn trong NH trong thời gian lãi suất tiết kiệm không tăng.
Dư vốn cho vay ngắn hạn
Trong khi đó, phân tích của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong quý I/2016, lãi suất huy động của các TCTD tăng bình quân khoảng 0,03 đến 1 điểm phần trăm/năm đối với kỳ hạn 6 tháng đến kỳ hạn 12 tháng, tăng khoảng 0,1%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng và tăng 0,10-0,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất huy động phổ biến trên địa bàn hiện nay ở mức 5,1-5,4%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi đó trần lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn từ 6 tháng xuống đến 1 tháng hiện đang được áp dụng ở mức 5,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất trong quý I/2016 ở TP.HCM là 8,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng được áp dụng ở các NHTMCP.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong quý I/2016 tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tăng khoảng 3,1% trong khi tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 5,6% so với cuối năm 2015. Điều này cho thấy nguồn vốn huy động từ dân cư của các TCTD ở TP.HCM rất dồi dào, nhưng kỳ hạn vốn huy động vẫn nghiêng chủ yếu về nguồn vốn ngắn hạn.
Sự tăng trưởng quá ổn định trong nguồn vốn huy động của các TCTD ở TP.HCM còn thể hiện rất rõ ở con số tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tính đến nay tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ ở mức trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 3/2016 tăng 3% so với cuối năm 2015, cùng thời gian đó tốc độ tăng trưởng vốn huy động toàn địa bàn TP.HCM ở mức 2,8%. Nếu phân tích giá trị tổng vốn huy động trên tổng vốn cho vay của các TCTD ở TP.HCM có thể thấy, cứ 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng huy động của hệ thống các TCTD trên địa bàn hiện nay có thể đảm bảo nguồn vốn cho 1 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn. Do chênh lệch nguồn vốn huy động trên địa bàn TP.HCM hiện đã lên đến 300.000 tỷ đồng so với tổng dư nợ cho vay của các TCTD.
Có thể nói tiền gửi tiết kiệm dân cư trong hệ thống NH liên tục tăng trong thời gian qua đã củng cố cho thanh khoản của các NH. Nhưng các NH luôn gặp phải yếu tố kỳ hạn do tâm lý người dân thích gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn ngắn, những NH nào khéo xoay xở nguồn vốn mới có thể giảm thiểu rủi ro và chi phí đối với nguồn vốn chủ yếu ngắn hạn như hiện nay.
Một số NH tại TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay sổ tiết kiệm có kỳ hạn ngắn mỗi khi đáo hạn họ đều cho nhân viên gọi điện cho các khách hàng chuyển kỳ hạn dài hơn. Nhiều khoản tiết kiệm từ 100-200 triệu đồng kỳ hạn 1-3 tháng đã điều chỉnh lên kỳ hạn từ 6-12 tháng để hưởng lãi suất cao hơn, tạo điều kiện cho NH nắn lại đường cong lãi suất. |
Nguồn Thời báo Ngân hàng