TPHCM muốn vay hơn 7 tỷ USD ODA Nhật Bản làm 8 dự án
Theo tin từ Văn phòng UBND TPHCM, UBND TPHCM vừa đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tài khóa 2016 và giai đoạn 2016 - 2018 cho 8 dự án.
Các dự án này bao gồm:
Dự án xây dựng Nhà ga Trung tâm Bến Thành với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD;
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD;
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây - Tân Kiên) với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD;
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) với tổng mức đầu tư khoảng 1,87 tỷ USD;
Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ), giai đoạn 3 với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48 tỷ yen;
Dự án xây dựng nút giao thông An Phú (nút giao hoàn chỉnh) kết nối giữa tuyến Đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48,8 tỷ yen;
Dự án xây dựng tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Bến xe Miền Tây mới, dự kiến kết nối với tuyến metro số 3a) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD;
Dự án xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (trên đường vành đai số 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Bộ bổ sung 15,11 tỷ yen cho dự án cải thiện môi trường nước TP (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ), giai đoạn II.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, cho biết tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD. Nhu cầu vốn cho các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ.
Nhật Duy