Thứ Tư | 23/01/2013 10:09

TPHCM muốn giảm 0,1% tỷ lệ thất nghiệp trong 2013

Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn thành phố là 4,9%.
Theo ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, năm 2013, dự kiến số lao động chưa có việc làm trên địa bàn thành phố là 312.000 người, chủ yếu tập trung vào các đối tượng như sinh viên mới tốt nghiệp, lao động thôi việc, mất việc trong năm 2012, lao động trong độ tuổi nhưng chưa có việc làm.

Năm 2013, TPHCM phấn đấu giải quyết việc làm cho 265.000 lượt người, trong đó tạo ra 120.000 chỗ làm mới, quyết tâm kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,8%.

Hiện, tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn ở mức 4,9%; một số chỉ tiêu việc làm chưa hoàn thành kế hoạch đề ra.

Năm 2012, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 289.000 lượt lao động, giảm 1,03% so với năm 2011, trong đó số việc làm mới tạo ra là 123.000 chỗ, giảm 8,33%.

Tổng số lao động được đưa đi làm việc tại các nước gần 5.900 người, giảm hơn 1.000 người so với năm 2011.

Trong khi đó, năm 2012 trên địa bàn thành phố có gần 140.000 lao động đăng ký thất nghiệp, tăng 33,6% so với năm 2011; số người đã nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 113.000 người, tăng 29%; số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp đã vượt hơn 857 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng số người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là do kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, kéo theo nhiều lao động bị sa thải. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được người lao động quan tâm hơn; đối tượng lao động bị mất việc chiếm chủ yếu là lao động có thu nhập thấp nên họ nhanh chóng đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp để có thu nhập trước khi tìm việc làm khác.

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất TPHCM, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên buộc phải giảm cả nghìn lao động.

Khác với các năm trước, năm 2012 tỷ lệ chuyển việc không "nhộn nhịp" do cơ hội có việc làm mới cho những người "nhảy việc" không nhiều. Doanh nghiệp cũng kén chọn lao động "nhảy việc" do khó khăn chung, hơn nữa lại chủ trương tuyển dụng lao động theo hướng hạ thấp độ tuổi, nâng chỉ tiêu chất lượng chuyên môn. Đây cũng là lý do khiến người lao động khó tìm việc, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện