Ảnh: Business Insider

 
Minh Anh Thứ Ba | 21/07/2020 08:22

TP.HCM hỗ trợ ngăn doanh nghiệp phá sản

Các giải pháp khẩn được đưa ra khi 6 tháng đầu năm, có đến 18.743 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp tư nhân đuối sức

Số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM, 6 tháng đầu năm có đến 18.743 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh... Trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận Tân Bình.

Đây chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (chiếm đến 98,15%), trong đó số doanh nghiệp đã hoạt động từ 3 - 9 năm chiếm đến hơn một nửa. Xét về ngành nghề, những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ bị "khai tử" nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Trước tình hình doanh nghiệp phải “rời thị trường”, trong cuộc họp mới đây, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn rất nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, TP.HCM tập trung thực hiện nhiệm vụ "kép", vừa ngăn chặn dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như kế hoạch đề ra. Mặc dù số lượng doanh nghiệp phá sản nhiều nhưng số lượng doanh nghiệp mới ra đời cũng khá cao, ngang ngửa với số doanh nghiệp phải "khai tử". 

Trong số doanh nghiệp mới thành lập có 8 doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn, trên 50 tỉ, có 2.878 doanh nghiệp tái hoạt động, 166 doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến. Các doanh nghiệp mới thành lập hoạt động nhiều nhất cũng là ở ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 36%), kế đến là kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ, tập trung nhiều nhất ở địa bàn quận 1 và quận 7.

Cũng theo ông Liêm, TP.HCM cũng sẽ chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn lớn, đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Theo đó, TP.HCM có các biện pháp kịp thời, quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài quay lại TP.HCM làm việc trong thời gian tới. Cùng với đó là hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Liêm chia sẻ tại cuộc họp Hội nghị Thành ủy TP.HCM vừa qua, TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với nhiều giải pháp. Đầu tiên, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. TP.HCM chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; phục hồi, sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Thứ hai, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Ảnh:
Ảnh: Dân trí

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành.

Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Thời gian tới, TP.HCM triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển ngành du lịch. TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc; triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh; chuẩn bị kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch.

Đồng thời, hoàn thành và công bố chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030. Thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ.