Chuẩn bị cho lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như tăng số bàn khám bệnh, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế có mã vạch, tăng thời gian khám bệnh của bác sỹ, cải tiến quy trình thu viện phí...
Ngày 29/2/2012, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 4/2012/TTLT-BYT-BTC về mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2012. Tuy nhiên, để tránh tác động đến đời sống người dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoãn thời gian thực hiện việc điều chỉnh này.
Đến cuối năm 2013, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc đề nghị điều chỉnh giá viện phí theo thông tư trên.
Ngày 9/5, Ủy ban Nhân dân thành phố chính thức ban hành quyết định điều chỉnh giá viện phí tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố từ ngày 1/6.Mức điều chỉnh của đề án được áp dụng cho 378 cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng theo lộ trình 3 năm và đạt mức tối đa khung giá đến năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/6, 477 dịch vụ kỹ thuật bao gồm: giá khám bệnh kiểm tra sức khỏe, khung giá một ngày giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm sẽ tăng 75%; 1.519 dịch vụ kỹ thuật trong nhóm các phẫu thuật, thủ thuật khác sẽ tăng 65%.
Từ ngày 1/6/2015, các dịch vụ kỹ thuật tiếp tục được điều chỉnh tăng tương ứng là 85% và 75%; đến ngày 1/6/2016 thực hiện điều chỉnh tăng 100% so với khung giá Thông tư liên tịch số 04/2012.
Riêng 25 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư liên tịch số 04 có giá bằng hoặc thấp hơn giá cũ được thực hiện bằng mức 100%.
Theo đánh giá, do trên 63% người dân thành phố đã tham gia bảo hiểm y tế nên việc điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật có tác động nhưng không nhiều, người bệnh chỉ phải đóng khoản đồng chi trả theo quy định mà không phải chi trả thêm các chi phí khác.
Bên cạnh đó, trong tổng chi phí khám, chữa bệnh thì 60% là thuốc và vật tư, 40% là phí các dịch vụ kỹ thuật, vì vậy lần này chỉ điều chỉnh tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật. Người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng chính sách theo quy định.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán-Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Sở Y tế đã thành lập Tổ bảo hiểm y tế có trách nhiệm giám sát kế hoạch nâng cao chất lượng của các bệnh viện.Sở Y tế đã chọn một số bệnh viện như Bệnh viện Nguyễn Trãi, Gia Định, Nhi đồng 1… để giám sát một số chỉ số về quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế.Đồng thời, tiếp tục giám sát việc sử dụng 15% số tiền thu được từ việc dịch vụ khám bệnh, ngày giường điều trị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu khám bệnh và mua sắm trang thiết bị./.
Nguồn Vietnamplus