TPHCM đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Các nhiệm vụ này cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đảm bảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đúng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng; chấp hành các quy định về lãi suất, thu phí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Quản lý, điều hành thị trường ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn một cách linh hoạt, theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận-huyện chưa triển khai chương trình này.
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách gia hạn, giảm, hoàn thuế đúng đối tượng, nội dung và thời gian quy định; triển khai các biện pháp khai thác, quản lý nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước;
Tập trung xử lý các khoản nợ thuế, hạn chế phát sinh số nợ thuế mới trong năm; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu ngân sách theo quy định.
Thứ ba, tập trung rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM; đẩy mạnh hoàn tất các thủ tục để thực hiện bán đấu giá đối với các mặt bằng nhà đất đã thu hồi;
Đôn đốc tăng nguồn thu để tập trung vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách; rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư trình UBND TP xem xét bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng các đợt trong năm từ nguồn vốn ngân sách;
Ưu tiên các công trình, dự án cấp bách và công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2013; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch.
Thứ 4, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhân rộng những thành công bước đầu của Chương trình trong 3 năm vừa qua và tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm kế hoạch năm 2013; thực hiện hiệu quả 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2013 - Tết Giáp Ngọ năm 2014;
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuồng trại, con giống, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; chú trọng phát triển hệ thống phân phối rộng khắp, tăng tần suất phục vụ bằng nhiều phương tiện bán hàng lưu động; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác quản lý thị trường, điều hành và bình ổn giá; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu không bảo đảm an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thứ 5, phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ đã được phê duyệt; kết hợp triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu, khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua; triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư;
Tiếp tục duy trì hoạt động đối thoại qua mạng giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn TP, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp tại các quận-huyện nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thứ 6, xây dựng các giải pháp, cơ chế phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; phân loại hàng tồn kho để xử lý kịp thời; giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu dùng, đưa hàng hóa phân phối tại các huyện ngoại thành, vùng ven, khu chế xuất, khu công nghiệp;
Xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phù hợp điều kiện thực tế; tăng cường cung ứng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thứ 7, tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách thủ tục hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX;
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và nhân dân khi tiếp xúc với chính quyền trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, tư pháp...
Thứ 8, phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và các Hội ngành nghề là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực; giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, chính sách vĩ mô của Nhà nước; phổ biến rộng rãi các nhu cầu và định chế về chất lượng, môi trường của thị trường quốc tế.
Nguồn Dân Việt/VPUB TPHCM