TPBank vẫn chờ số hóa
Sau khi xử lý những khoản lỗ lũy kế để lại trong quá khứ, TPBank đang hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng số dù mảng này chưa trở thành kênh mang lại nhiều lợi nhuận.
Từ tư duy đi ngược...
Năm 2017 ghi dấu mốc lịch sử với Ngân hàng TPBank nhờ những thông tin tài chính tích cực khi lợi nhuận lần đầu tiên đạt trên mốc 1.000 tỉ đồng, sánh vai cùng những ngân hàng lớn khác.
Trong một thị trường ngân hàng tăng trưởng lạc quan, TPBank tăng trưởng cao không có gì lạ. Nhưng có điểm mấu chốt nằm ở chỗ, ngân hàng này mới chỉ xóa lỗ lũy kế vào cuối năm 2015. Cổ phiếu TPBank vừa mới niêm yết trên sàn chứng khoán với mức giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu, ở mức khá so với HDBank (33.000 đồng/cổ phiếu) hay VPBank (39.000 đồng/cổ phiếu).
Ngày nay, nhắc đến TPBank là nhắc đến Công Cổ phần Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Doji, được cho là nhóm cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tại Ngân hàng, mới chỉ tham gia vào năm 2012. Mới đây, ông Đỗ Minh Phú quyết định dồn sức cho cuộc chơi với TPBank, sau khi từ nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Doji.
Từ mảng kinh doanh phục vụ cho hàng tiêu dùng xa xỉ như trang sức, hàng tiêu dùng thiết yếu, anh em ông Phú bắt đầu kinh doanh tiền tệ. Cùng với người em là ông Đỗ Anh Tú, anh em họ Đỗ được xem là những nhà đầu tư có thực lực, không chỉ với kinh nghiệm và những mối quan hệ từ những hoạt động kinh doanh trước đó, mà còn có cả nội lực về tài chính, điều đặc biệt cần thiết với những thương vụ tái cấu trúc ngân hàng.
Là ngân hàng non trẻ khi mới chỉ thành lập năm 2008, sau khi có chủ sở hữu mới, TPBank bắt đầu hành trình thay da đổi thịt theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Bộ nhận diện thương hiệu mới, đi kèm theo chiến lược mới và cách marketing hoàn toàn khác trước.
Trong lần chia sẻ với NCĐT, ông Tú cho rằng mình là người có tư duy “ngược”. Điểm bất lợi của TPBank là một ngân hàng non trẻ, không nhiều điểm giao dịch. Vậy nên TPBank đặt cược vào cuộc chơi ngân hàng số từ đó, nhưng đây cũng đồng thời là xu hướng của công nghệ. “Nếu không số hóa sẽ không phát triển, sự dịch chuyển của ngành ngân hàng đang hiện hữu và mạnh mẽ”, ông Tú nhận định.
LiveBank là sản phẩm của TPBank giới thiệu trong thời gian qua. Đây là mô hình ngân hàng giao dịch tự động 24/7, giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch cơ bản đầy đủ như ở chi nhánh, tương tác với tư vấn viên thông qua video call. Trong chiến lược phát triển thành một ngân hàng số đầy đủ, ông Tú xem LiveBank là một bước đệm cần thiết, vì hiện nay nhiều người vẫn muốn thực hiện giao dịch giữa người với người hơn, còn xu hướng giao dịch trên màn hình điện thoại sẽ diễn ra nhiều hơn trong tương lai.
Thị trường tín dụng tiêu dùng và người trẻ cũng sẽ không bị TPBank bỏ qua. Ngân hàng này cũng khá nhanh nhạy như những fintech, với hàng loạt các sản phẩm hỗ trợ giao dịch, thanh toán như Ebank, Quickpay… Theo bản cáo bạch niêm yết, hiện TPBank đang có 28 dự án nghiên cứu, chủ yếu trong lĩnh vực số hóa, bảo mật, cải thiện hệ thống quản trị với tổng mức đầu tư 108 tỉ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
... Đến đón đầu tăng trưởng
Cho dù hoạt động quảng bá mạnh mẽ là ngân hàng số, nhưng thực tế đây vẫn là sự chuẩn bị cho tương lai. TPBank báo lãi cao trong nhiều năm qua còn đến từ những mảng thu nhập khác. Số liệu cho thấy TPBank hiện phục vụ khách hàng cá nhân vẫn khá ít ỏi hơn so với các ngân hàng khác. Năm 2017, hoạt động cho vay chủ yếu vẫn tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp với tỉ lệ dư nợ chiếm 53,5%, còn khối khách hàng cá nhân là 36,2%, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 10,2%.
Hoạt động tín dụng đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng của Ngân hàng trong năm qua. Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 3.172 tỉ đồng, tăng trưởng đến 150% so với cùng kỳ và chiếm tỉ trọng 88% trong tổng thu nhập hoạt động thuần của Ngân hàng. Trong khi đó, phần còn lại đến từ những hoạt động khác. Chẳng hạn, lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư lại vượt trội, lên 222,6 tỉ đồng, so với con số 46,2 tỉ đồng trong năm trước đó.
Báo cáo của TPBank cũng cho thấy Ngân hàng vẫn tập trung nhiều vào mảng kinh doanh vàng và ngoại tệ. Với doanh số vàng tiếp tục nằm trong top 3 thị phần, ngân hàng này còn cung cấp nền tảng EGold online, giúp khách hàng có thể giao dịch trực tuyến.
Có thể nhận thấy các hoạt động này liên quan đến những chủ sở hữu của TPBank. Không chỉ vậy, những hoạt động mà TPBank tập trung còn để tận dụng lợi thế của các cổ đông lớn, chẳng hạn như yếu tố công nghệ từ cổ đông là FPT, các hoạt động đầu tư trái phiếu cũng có sự góp mặt của Tập đoàn SBI Holdings và cả Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia.
TPBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nằm trong top 10, với 3 trụ cột là dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng phục vụ doanh nghiệp và SME, hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn và đầu tư. Điều quan trọng là không lệ thuộc vào tín dụng, như báo cáo thường niên TPBank cho biết.
Hãy trở lại với câu chuyện vị thế của TPBank trong ngành ngân hàng. Hiện tại, TPBank vẫn là ngân hàng có quy mô trung bình về vốn hay tài sản. Hiện tổng số máy ATM và LiveBank đã hoạt động trên toàn quốc là 48 máy và 64 điểm giao dịch toàn quốc, vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác. Nhận định về TPBank, trong báo cáo về cổ phiếu khi Ngân hàng lên sàn, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng Ngân hàng đã giải quyết được phần lớn nợ xấu, hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng nhanh.
Điểm đáng chú ý của TPBank là việc tập trung vào các hoạt động dịch vụ cũng giúp lợi nhuận của TPBank có tỉ suất cao. Năm 2017, ROE của TPBank đạt 15,59%, cao hơn so với mức trung bình ở các ngân hàng khác. Sau thời kỳ xử lý những khoản nợ xấu trong quá khứ để lại, TPBank cũng đang tính chuyện tăng mạnh vốn, từ mức 5.840 tỉ đồng lên 8.500 tỉ đồng, để mở rộng năng lực kinh doanh và đảm bảo cho những chỉ tiêu an toàn theo quy định trong tương lai. Theo đó, Ngân hàng dự kiến cuối năm nay sẽ phát hành thêm 15% chào bán cho cổ đông mới, sau đó chia thưởng cho cổ đông với tỉ lệ 20%.
TPBank sẽ gặp nhiều thách thức trong mỗi mục tiêu mình đề ra. Với mảng khách hàng ưu tiên mà TPBank đánh giá là lĩnh vực trọng tâm và tiềm năng, đồng thời có thế mạnh, thì sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đua nhau bán lẻ, vốn có nhiều kinh nghiệm hơn. Một vấn đề khác nằm ở mảng đầu tư vì ẩn chứa những rủi ro, đặc biệt là khi thị trường đi xuống. Thêm nữa, áp lực chi phí và quản lý cũng sẽ đè nặng lên vai của một ngân hàng non trẻ.
Năm ngoái, số lượng nhân viên là 4.848 người, tăng 40% so với năm 2016, chủ yếu là lực lượng bán hàng và nhân sự cho các chi nhánh mới. Ngay cả mục tiêu trở thành ngân hàng số một trong lĩnh vực ngân hàng số cũng sẽ gặp nhiều thách thức đến từ các ngân hàng khác. Chẳng hạn, thách thức với Ví Việt của Ngân hàng Liên Việt, hay các mô hình ngân hàng số mà các ngân hàng khác đang thử nghiệm như Timo của VPBank, MEED của Maritime Bank và sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhiều đến từ nhóm fintech.
Như ông Tú chia sẻ, TPBank triển khai mảng ngân hàng số sớm quá hay muộn quá đều không tốt, may mắn là TPBank đã có sự chuẩn bị trước từ cách đây 5 năm, nên việc triển khai sẽ thuận lợi hơn một số ngân hàng khác