TP. Hồ Chí Minh tìm cơ chế đặc thù
Cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM là vấn đề theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã được Chính phủ dành thời gian thảo luận trong phiên họp Chính phủ ngày 3/11.
>>Đề xuất cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho TPHCM
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc ban hành cơ chế phát triển Thành phố là cần thiết vì đây là đầu tàu kinh tế cả nước. Riêng Thành phố đã đóng góp khoảng 27-28% GDP cả nước, ngoài ra đây cũng là thành phố góp tới 25-26% vài tổng thu ngân sách Nhà nước.
Nguyên tắc được các thành viên Chính phủ thảo luận là thí điểm để TP.HCM chủ động giải quyết các công việc của thành phố thay vì báo cáo các bộ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là những cơ chế, chính sách thí điểm bởi nội dung được quy định nhưng thực tiễn có thể chưa phù hợp.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng Trung ương cần ban hành cơ chế đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, rõ nhất là việc thành phố có tỷ lệ nộp thu ngân sách cao nhất nhưng lại có mức chi khá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
TP.HCM thu ngân sách gấp đôi Hà Nội nhưng chi ít hơn 10.000 tỷ đồng |
Cụ thể, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên tục bị cắt giảm từ 33% năm 2003 chỉ còn 18% giai đoạn 2017-2020. Trong khi, dân số Thành phố chiếm 9,1% cả nước nhưng chỉ nhận ngân sách bằng 4,8% ngân sách cả nước dành cho các địa phương. Mức độ tăng dân số cơ học của thành phố rất cao, bình quân 3,5% mỗi năm.
Dân số tăng nhanh đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; gây áp lực lên hệ thống y tế, vệ sinh môi trường của thành phố; ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân. Hiện nay nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm 60%. Tuy nhiên ngân sách thành phố chỉ mới đáp ứng được 20% tổng vốn đầu tư.