TP HCM đề xuất chỉ giảm 2% ngân sách giữ lại
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 22-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM thảo luận tại tổ về kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn, phân bổ ngân sách giai đoạn 2016-2020…
Đã tiết kiệm tối đa
Thảo luận về ngân sách với nội dung tỉ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại giảm từ 23% còn 17% giai đoạn 2017-2020, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng TP luôn xác định tư tưởng, quan điểm vì cả nước nên chưa bao giờ “bàn lùi” trước các nhiệm vụ mà trung ương giao. Tuy nhiên, không vì thế mà dồn khó khăn cho TP.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện TP HCM đã tiết kiệm tối đa, các lãnh đạo đều xài xe cũ do người “tiền nhiệm” để lại chứ không có chuyện nhậm chức là mua xe mới. Hơn nữa, hạ tầng TP HCM đã quá bức bối với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỉ đồng. Nhiều lĩnh vực khác cũng đòi hỏi kinh phí lớn như xây dựng phòng học, tu bổ trường lớp, xây dựng bệnh viện, mở rộng khoa phòng, bảo đảm an ninh trật tự… “Tiết kiệm nguồn chi tối đa nhưng chi cho con người là không thể giảm nên nói cắt giảm chi thường xuyên hơn nữa là cực kỳ khó. Giảm một lúc 5%-6% ngân sách được giữ lại TP không thể nào chịu nổi, nền kinh tế trở tay không kịp” - bà Tâm thẳng thắn.
Phó Bí thư Thành ủy cũng cho rằng đúng là nghĩa vụ, trách nhiệm của TP là phải chia sẻ nhưng có thể chỉ giảm 2% khoản điều tiết ngân sách. Ngược lại, Chính phủ, QH cũng cần chia sẻ với TP, tạo điều kiện cho TP phát triển.
Đồng tình, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ ra nhiệm vụ của TP là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước thì cần xem xét để tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP với những nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và TP thực hiện từ năm 2015. Trong khi đó, theo ông Thăng, trong 5 năm vừa qua, tỉ lệ điều tiết cho TP ở mức 23% vẫn là thấp. “Để giữ được tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,5 lần cả nước thì cần phải đầu tư trở lại. Thành ủy cũng bàn và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo QH là giảm điều tiết về TP 2%, tức là còn 21%. Rõ ràng, không có đầu tư trở lại thì khó lòng làm được” - ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy, đúng là không thể đầu tư tất cả cho một chỗ nhưng cần điều tiết mức độ hài hòa để vùng sâu xa cũng lo được nhưng cũng phải chăm lo được cho đầu tàu để tốc độ chạy nhanh hơn.
Cần một trung tâm tài chính đúng nghĩa
ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), cho rằng hầu như nước nào cũng có một vài tỉnh - thành, một vài trung tâm tài chính kinh tế đúng nghĩa. “Nhìn qua thì thấy Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc) hay Busan, Seoul (Hàn Quốc)… Nhìn lại, thấy Việt Nam mình không có một đô thị nào, một trung tâm nào mang dáng dấp sánh ngang khu vực chứ đừng nói nước phát triển công nghiệp nặng như châu Âu, Mỹ. Tại sao chúng ta không có?” - ông Quốc đặt vấn đề.
Theo ông Quốc, nếu chúng ta đủ nguồn lực, ngân sách và cơ chế đủ mạnh, trong đó giao quyền cho một số chính quyền địa phương có điều kiện phát triển, thì Việt Nam sẽ có 2-3 tỉnh, thành sánh ngang tầm khu vực. “Ngân sách hiện phân bổ mang tính cào bằng, chia đều cho “63 người con”. Bây giờ, người nào giỏi về tài chính thì giao tiền, người nào giỏi về ruộng đất thì giao ruộng, người nào giỏi về sản xuất công nghiệp thì giao nhà xưởng. Làm như vậy thì đồng vốn của nhà nước mới mang tính động lực, mang tính đòn bẩy, phát triển lên, mới hình thành được trung tâm kinh tế đúng nghĩa của nó” - ông Quốc nêu.
Theo ông Quốc, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị công nhận TP HCM là trung tâm kinh tế tài chính trọng điểm, không chỉ là khu vực phía Nam. “Trung tâm tài chính đúng nghĩa là nơi hội tụ của những nhà đầu tư lớn, nơi làm ăn của các doanh nghiệp, tập đoàn là nơi sử dụng những công cụ phái sinh. Do đó, phải tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền và pháp lý như thế nào để chính quyền địa phương có thể phát triển trở thành các đô thị lớn, cũng như để TP HCM nói riêng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính đúng nghĩa” - ông Quốc nói.
Nguồn Người lao động