TP. HCM có mức lương trung bình cao nhất cả nước
Báo cáo lương toàn năm 2017 vừa công bố, VietnamWorks đã đưa ra bức tranh khá tổng thể liên quan đến vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là lương.
Trong báo cáo, VietnamWorks cho biết dựa trên mức lương trung bình tối thiểu của nhà tuyển dụng đề xuất trả cho người lao động, trung tâm kinh tế của cả nước là TP.HCM vẫn giữ vị trí cao nhất về mức lương trung bình trên toàn quốc. Cụ thể, mức lương tối thiếu trung bình mỗi tháng của một người lao động tại TP.HCM là 456 USD, tức khoảng 10,37 triệu đồng và tương đương 124,44 triệu đồng/người lao động/năm.
Theo VietnamWorks, mức lương trung bình tối thiểu này cao hơn khoảng 38% so với mức lương trung bình của lao động toàn quốc. Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình của lao động Việt Nam năm 2017 là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, trong báo cáo của VietnamWorks, TP.Hà Nội chỉ đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách về mức lương trung bình cao nhất. Theo đó, TP.Hà Nội đang giữ mức lương tối thiểu là 407 USD/tháng, vào khoảng 9,3 triệu đồng/tháng.
Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung là Đà Nẵng vươn lên vị trí thứ 2 với mức lương tối thiểu trung bình là 452 USD/tháng, vào khoảng 10,25 triệu đồng/tháng.
Hai trung tâm của ngành sản xuất là Bình Dương và Bắc Ninh lần lượt xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 về mức lương cao trên toàn quốc. Mức lương trung bình tháng tối thiểu ở Bình Dương là 444 USD, vào khoảng 10,1 triệu đồng. Đối với Bắc Ninh, mức lương tối thiểu trung bình là 421 USD, vào khoảng 9,55 triệu đồng.
Việt Nam là 1 trong 2 nước được dự báo sẽ tăng trưởng tiền lương nhanh nhất ở khu vực châu Á trong năm 2018. Thông tin mới được công bố trong báo cáo khảo sát của công ty tuyển dụng nhân lực Korn Ferry (Mỹ).
Theo báo cáo này, người lao động ở châu Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tiền lương cao nhất trên toàn cầu trong năm nay với mức tăng 2,8% (sau khi đã điều chỉnh lạm phát) nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc và những thay đổi cấu trúc kinh tế khu vực.
Đứng đầu ở châu Á là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan với mức tăng sau khi đã điều chỉnh lạm phát lần lượt là 4,7%, 4,6% và 4,5%. Nhật Bản xếp cuối khu vực về tốc độ tăng trưởng tiền lương với mức 1,6% trong năm 2018.
Lương ở Việt Nam tăng nhờ xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân tăng dù vẫn còn những lo ngại về mức nợ tư nhân và những dấu hiệu manh nha của bong bóng trên thị trường bất động sản.