Toyota lãi 390 tỷ đồng mỗi tháng nhờ bán xe hơi cho người Việt
Toyota Việt Nam đã không ít lần phát đi thông điệp sẽ rút nhà máy khỏi Việt Nam nếu không có chính sách rõ ràng phát triển ngành công nghiệp này trước làn sóng xe giá rẻ ASEAN tràn về khi thuế suất về 0% năm 2018. Thực tế, nhiều năm qua, doanh nghiệp này vẫn có mức lợi nhuận đáng mơ ước.
Năm 2015, Toyota bán ra khoảng 52.428 xe, chiếm khoảng 25,5% thị phần cả nước, tăng mạnh so với mức 40.749 chiếc của năm 2014. Dù nắm giữ thị phần ôtô của người Việt nhưng đại gia Nhật Bản này thường không tiết lộ kết quả kinh doanh tại Việt Nam.
Theo một tài liệu mới công bố của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - đơn vị nắm 20% vốn tại Toyota Việt Nam đã cho thấy liên doanh này luôn có mức doanh thu và lợi nhuận cao, tăng trưởng mạnh mỗi năm nhờ sản xuất, lắp ráp và bán xe cho người Việt.
Cụ thể, doanh thu của đại gia ôtô Nhật Bản đạt khoảng 33.940 tỷ đồng. Năm 2014, hãng xe này cũng có doanh thu 26.740 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Toyota khoảng 4.660 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.270 tỷ đồng của năm 2014. Như vậy, mỗi tháng ít nhất Toyota có thể "bỏ túi" 388 tỷ đồng lãi nhờ sản xuất và lắp ráp ôtô cho người Việt.
Mức doanh thu và lợi nhuận cao giúp Toyota xác lập vị trí số 2 chỉ sau Trường Hải. Nhiều dòng xe của Toyota đã trở thành những xe bán chạy nhất thị trường hiện nay như: Toyota Vios, Fortuner, Innova...
Công ty ôtô Toyota Việt Nam được thành lập năm 1995, là liên doanh với số vốn đầu tư ban đầu 89,6 triệu USD từ Tập đoàn Toyota Nhật Bản (70%), VEAM (20%) và Công ty TNHH KUO Singapore (10%).
Cũng giống như nhiều liên doanh Nhật sang Việt Nam kinh doanh, Toyota lãi lớn nên luôn chia cổ tức tiền mặt mỗi năm. Dù chỉ đóng góp 20% cổ phần, song năm 2015, VEAM đã nhận được 678 tỷ. Trong khi đó tập đoàn mẹ là Toyota Nhật Bản đem về khoảng 2.370 tỷ đồng, còn cổ đông Singapore là Kuho cũng nhận về 330 tỷ.
Doanh thu và lợi nhuận của Toyota Việt Nam từ năm 2012-2015 |
Hơn 20 năm phát triển tại Việt Nam, Toyota đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam. Đến nay hãng xe đã bán ra tổng cộng 305.799 chiếc. Từ 11 nhân viên trong ngày đầu thành lập, tới nay số lượng cán bộ công nhân viên của công ty đã lên tới hơn 1.900 người và hơn 6.000 nhân viên làm việc tại hệ thống 41 đại lý - chi nhánh và Trạm dịch vụ ủy quyền Toyota phủ rộng khắp trên cả nước. Hiện vốn điều lệ của Toyota khoảng hơn 49 triệu USD.
Chia sẻ tại một cuộc họp báo giữa năm 2015, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam cho biết công ty vẫn đang lưỡng lự trước quyết định sẽ lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu ôtô nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018. Lý do được đưa ra là do Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch cụ thể sau khi Chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua trong khi thời điểm 2018 không còn cách bao lâu.
Đầu năm 2016, công ty vẫn nhắc lại việc cần thiết của các chính sách Nhà nước nhằm tăng cường và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam để tạo điều kiện tốt cho thị trường tiếp tục tăng trưởng.
Thực tế dù thu lợi lớn tại Việt Nam nhưng tỷ lệ nội địa hoá của Toyota vẫn ở mức thấp.
Ở thời điểm 1997, quy mô thị trường chỉ ở mức 6.000 xe mỗi năm, Toyota nắm 22% thị phần tức khoảng 1.200 xe, mỗi ngày chỉ bán ra từ 3 đến 4 xe. Vì vậy lúc đó, Tổng giám đốc của Toyota Việt Nam cho rằng, nội địa hoá là một khái niệm xa xỉ. Bởi lẽ, muốn nội địa hóa, phải có hệ thống nhà cung cấp phụ tùng. Nhưng không có hãng phụ tùng nào lại bỏ khoản vốn lớn để đầu tư dây chuyền sản xuất chỉ để cung ứng cho Toyota mỗi ngày 3-4 linh kiện, hãng sẽ không thể đạt hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, đến nay khi doanh số bán xe đã tăng lên gấp 50 lần, tỷ lệ nội địa hoá của Toyota dù cũng dần được nâng lên, nhưng cũng chỉ ở mức từ 19 đến 37% tuỳ thuộc vào từng dòng xe. Theo phương pháp xác định giá trị của ASEAN. Đến năm 2015, tổng số sản phẩm nội địa hóa của Toyota cho tất cả các dòng xe đã lên tới trên 270 sản phẩm các loại.
Nói về triển vọng của ngành công nghiệp ôtô Việt, VEAM nhận định so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam tham gia ngành sản xuất lắp ráp ôtô tương đối muộn. Tuy đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhằm đưa ôtô trở thành ngành mũi nhọn trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cho đến nay, có thể nói ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chỉ là người tí hon giữa các nhà sản xuất khổng lồ có uy tín vượt trội với lịch sử nền công nghiệp ôtô lâu đời.
Nguồn Vnexpress