Ảnh: TL
Top 50 2019: Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong
“Trẻ” hơn nhiều so với các ngân hàng (thành lập năm 2008) nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã TPB) lại góp mặt vào danh sách các công ty kinh doanh hiệu quả cùng các ngân hàng khác có quy mô tài sản lớn rất nhiều, nhờ kết quả tài chính khởi sắc trong nhiều năm trở lại đây.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế TPBank đạt 2.258 tỉ đồng, tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm 2017 và vượt kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động thuần năm 2018 của TPBank đạt 5.627 tỉ đồng trong đó thu nhập lãi thuần chiếm 77,8%. Tín dụng tăng gần 18,3% với tổng dư nợ đạt gần 84.329 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, thấp hơn so với trung bình ngành.
Trên thực tế, TPBank thuộc nhóm ngân hàng cần phải tái cấu trúc. Sau khi có cổ đông mới là Tập đoàn Doji, ngân hàng bắt đầu “thay da đổi thịt” đáng kể. Tính đến nay, Ngân hàng đã có 2,2 triệu khách hàng tổ chức và cá nhân, tổng tài sản tăng gấp 10 lần, vốn chủ sở hữu tăng 7 lần.
Là một ngân hàng nhỏ, TPBank định hướng xây dựng và quảng bá mình là ngân hàng số. Rất nhiều sản phẩm mang tính công nghệ được giới thiệu như LiveBank (mô hình ngân hàng tự động 24/7), Savy (ứng dụng tiết kiệm), QuickPay (ứng dụng thanh toán bằng mã QR code), Ebank (ứng dụng ngân hàng điện tử)...
Tính đến cuối năm 2018, mạng lưới chi nhánh của TPBank phủ khắp cả 3 miền với 75 điểm giao dịch. Trong khi đó, tổng số máy LiveBank đã hoạt động trên toàn quốc là gần 100 máy. Các địa điểm hoạt động của Ngân hàng đặt tại các khu vực tập trung, đông dân cư với nhận diện nổi bật và hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đại diện Ngân hàng đánh giá.
TPBank ưu tiên tập trung vào các vực mũi nhọn đã được xác định là đẩy mạnh tài trợ các công ty, đơn vị ứng dụng công nghệ, tập trung vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lĩnh vực TPBank có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các ngân hàng khác, đặc biệt với mục tiêu trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.
Ngoài ra, TPBank còn chú trọng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về bảo vệ tài chính (các loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ) và nhu cầu về đầu tư (sản phẩm trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chuyển tiền định cư). Đồng thời, Ngân hàng cũng mở rộng danh mục sản phẩm nhằm dễ tiếp cận và phát triển phân khúc khách hàng mới giàu tiềm năng.