Ảnh: TL
Top 50 2019: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam
Năm 2018 là một năm thách thức với Vinamilk trong bối cảnh tăng trưởng chung của thị trường tiêu dùng có xu hướng chậm lại. Dù vậy, Công ty vẫn gia tăng thị phần thêm 0,9 điểm phần trăm lên gần 59%. Vinamilk tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu ngành sữa, dù yếu tố khách quan của thị trường khiến kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Tổng doanh thu hợp nhất chỉ tăng gần 3% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm nhẹ 0,7% so với năm 2017.
Không chỉ thị phần tăng lên mà trong năm ngoái, hoạt động của trang trại bò sữa Vinamilk cũng có nhiều điểm sáng. Quy mô trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt từ 500 lên 1.000 con. Công ty cũng khởi động trang trại bò sữa organic tại Thanh Hóa với quy mô 2.000 con; đầu tư mua 51% cổ phần tại Lao-Jagro Development XiengKhouang để phát triển trang trại bò sữa organic 4.000 con (giai đoạn 1) tại Lào. Đáng chú ý, lần đầu tiên tại Việt Nam, Vinamilk nhập bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand để phát triển trang trại bò sữa A2 tại Việt Nam.
Vinamilk cũng đang tăng cường các nhà máy chế biến sữa. Theo đó, nhà máy sữa nước Mega tại Bình Dương đã hoàn thành giai đoạn 2, nâng tổng công suất từ 400 triệu lít/năm lên 800 triệu lít/năm, đầu tư thêm dây chuyền sữa nước tốc độ cao tại nhà máy Tiên Sơn và Lam Sơn. Ngoài ra, 2 dây chuyền sữa chua ăn với công suất 80.000 hũ/giờ/máy. Cho đến năm 2021, Vinamilk sẽ đầu tư thêm để tăng công suất sản xuất cho các nhà máy trên toàn quốc.
Theo đánh giá của Vinamilk, sự sụt giảm của ngành sữa trong năm 2018 chỉ là ngắn hạn. Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 19 kg sữa/người/năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Thái Lan là 31,7, theo Euromonitor.
Hiện Vinamilk đi theo chiến lược 5 năm (2017-2021). Kế hoạch tiếp theo sẽ là mở rộng thị trường xuất khẩu có trọng tâm, phát triển sản phẩm phân khúc cao cấp, hoàn tất hệ thống nhà máy sản xuất và hệ thống trang trại cho giai đoạn mới, thực hiện M&A và tăng vốn sở hữu ở các công ty nhằm tăng sức mạnh chuỗi giá trị.
Năm ngoái, Vinamilk tiếp tục thâm nhập thị trường quốc tế, với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang hình thức hợp tác sâu với đối tác phân phối tại các thị trường mới, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Có 3 thị trường mở mới trong năm 2018, thuộc khu vực ASEAN và châu Phi. Năm ngoái, Vinamilk đã xuất khẩu sang 40 quốc gia, thông qua 70 khách hàng.