NCĐT Thứ Ba | 19/06/2018 19:00

Top 50 2018: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu

Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và đưa nợ xấu xuống dưới 0,7%.
Top 50 2018: Ngan hang Thuong mai Co phan A Chau
 

Năm 2017 là năm hoàn thành chiến lược 5 năm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) để giải quyết các vấn đề phát sinh trước năm 2013 như thu hồi nợ, các vấn đề liên quan đến tiền mặt và vàng huy động. Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và đưa nợ xấu xuống dưới 0,7%, so với mức trung bình ngành là 2%.

Bức tranh lợi nhuận cũng khá lạc quan. Lợi nhuận quý I/2018 của ACB đã tăng trưởng 140% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1.144 tỉ đồng. Mức tăng trưởng này là nhờ không còn phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC và các khoản nợ xấu thuộc nhóm 6 công ty. Lợi nhuận còn đến từ tăng trưởng của các khoản ngoài lãi tín dụng được ACB bắt đầu tập trung đầu tư từ đầu năm 2017. Tỉ trọng lợi nhuận từ lãi đang có xu hướng giảm xuống, đạt trên 70% so với mức khoảng 90% trước thời điểm năm 2016. Đây cũng là thành quả từ việc đầu tư mảng Priority Banking và Transaction Banking mà Ngân hàng đã triển khai từ những năm trước.

Top 50 2018: Ngan hang Thuong mai Co phan A Chau
 

ACB cũng nằm trong 10 ngân hàng được chọn làm thí điểm áp dụng Basel II vào năm 2019. Để nâng tỉ lệ an toàn vốn CAR chuẩn bị cho Basel II, ngân hàng này đã có các biện pháp cải thiện chất lượng tài sản và tăng cường quản lý rủi ro, như phát hành hơn 30.000 tỉ đồng trái phiếu vốn cấp 2, quản lý danh mục cho vay theo kỳ hạn và ngành nghề cho vay, tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 12% trong năm 2017).

Top 50 2018: Ngan hang Thuong mai Co phan A Chau
 

Một động thái khác nhằm tăng an toàn vốn để chuẩn bị cho Basel II là ACB hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Đầu tháng 6 năm nay, 98,5 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung đã chính thức được chuyển cho các cổ đông và đưa vốn điều lệ của Ngân hàng lên 11.259 tỉ đồng. Chiến lược trọng tâm vẫn xoay quanh ngân hàng bán lẻ, vốn là điểm mạnh của ACB, tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhằm tăng tính cạnh tranh trong mảng này, ACB đã tập trung đầu tư vào các dự án công nghệ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh như nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (core banking), cải thiện các chương trình quản lý khoản vay và quản lý khách hàng. Đây cũng là tiền đề cho kế hoạch xây dụng kế hoạch 5 năm tiếp theo (2019-2023) của ACB. Tiến bộ trong công nghệ đang làm thay đổi hành vi khách hàng. Cùng với đó là sức ép cạnh tranh từ các fintech. Kế hoạch trong trung hạn của ACB là tập trung đầu tư vào công nghệ tài chính và hợp tác với các hãng công nghệ.