Top 50 2017: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam
Trong năm qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB), tổ chức tín dụng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, đạt kết quả kinh doanh khá lạc quan. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.523 tỉ đồng, tăng gần 25% so với năm 2015, cao nhất từ năm 2009 đến nay. Các chỉ số đo lường tính hiệu quả được cải thiện mạnh mẽ. VCB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn tất trích lập toàn bộ dự phòng đối với dư nợ đã bán cho VAMC, sớm hơn quy định 3 năm. VCB sở hữu hệ thống điểm giao dịch lớn, bao gồm 101 chi nhánh với 395 phòng giao dịch, có 1.726 ngân hàng đại lý tại 158 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế mạnh của VCB là thương hiệu lâu đời, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên sở hữu danh sách khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rộng khắp, từ đó được hưởng lợi từ chi phí huy động đầu vào thấp nhờ nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào.
Trong năm 2017, Ngân hàng đưa ra hàng loạt giải pháp trọng tâm để tiến hành thay đổi, có thể chia làm 2 nhóm chính: cải thiện kinh doanh bao gồm tập trung vào khách hàng, nâng cao năng lực tài chính, thu hồi nợ xấu, hoạt động kinh doanh vốn, ngoại tệ và tài trợ thương mại, hoạt động của các công ty con. Nhóm giải pháp còn lại là quản trị bao gồm triển khai các dự án nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro và IT.
Áp lực đối với hầu hết các ngân hàng trong năm nay và năm sau là phải gia tăng năng lực tài chính, đặc biệt VCB có kế hoạch áp dụng bộ Basel II tiêu chuẩn vào năm 2018 và Basel II nâng cao vào năm 2020. Để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi này, Ngân hàng đang tìm kiếm nguồn vốn từ cổ đông nước ngoài. Năm ngoái, thương vụ VCB bán cổ phần cho nhà đầu tư GIC (Singapore) vẫn chưa thực hiện được. Hiện VCB có kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Cổ đông chiến lược nước ngoài của VCB là Mizuho Bank (sở hữu 15%). Cuối năm ngoái, VCB đã phát hành 8.000 tỉ đồng trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp 2.