Top 50 2017: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va
Mới chỉ niêm yết vào cuối năm 2016, song cổ phiếu của Novaland sớm được thị trường đón nhận. Bắt đầu với dự án Sunrise City (quận 7) năm 2009 với vốn đầu tư 500 triệu USD, đến nay Novaland sở hữu hơn 40 dự án. Năm ngoái, hơn 8.000 sản phẩm của Công ty đã được khách hàng lựa chọn, chiếm khoảng 23% thị phần tại TP.HCM, theo số liệu của CBRE Việt Nam.
Novaland có những lợi thế riêng như quỹ đất lớn và đa dạng, kinh doanh tập trung vào phân khúc nhà ở, khu đô thị, thương mại, office-tel và biệt thự nghỉ dưỡng phân khúc trung - cao cấp, khả năng huy động vốn tốt (từ khách hàng, ngân hàng và các nguồn vốn vay). Novaland cũng sở hữu một đội ngũ bán hàng khá bài bản với hơn 600 nhân viên kinh doanh ở 10 sàn giao dịch.
Novaland là nhà phát triển bất động sản dựa nhiều vào hoạt động M&A. Theo đó, Công ty tập trung mua lại các dự án tiềm năng có quy mô vừa phải tại vị trí đắc địa, pháp lý hoàn thiện và trong tình trạng sẵn sàng, từ đó rút ngắn thời gian triển khai và giảm đáng kể chi phí thực hiện dự án. Chỉ riêng năm 2016, Novaland đã hoàn tất mua lại 9 công ty với tổng giá trị khoảng 7.663 tỉ đồng. Novaland sở hữu hơn 5,5 triệu m2 sàn xây dựng, đủ để công ty này phát triển trong vòng 5 năm tới.
Theo chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, Novaland chia làm 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 2007-2015 tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở (5.000 sản phẩm); giai đoạn tiếp theo (2016-2025) phát triển thêm sản phẩm thương mại và nghỉ dưỡng để có nguồn tiền ổn định. Tầm nhìn dài hạn sau năm 2025 sẽ là phát triển khu đô thị thông minh, nhiều tiện ích và kết nối hạ tầng hiện đại.
Việc phát triển thêm dự án nghỉ dưỡng và cho thuê trong năm 2016 là điểm nhấn mới của Novaland trên thị trường. Tuy nhiên, Công ty cũng đối mặt với vấn đề tài chính khi sở hữu nhiều dự án được triển khai đồng thời. Việc phụ thuộc vào vốn vay và huy động từ khách hàng dễ gặp rủi ro lớn khi thị trường đảo chiều. Có lẽ đó là lý do Novaland quyết định niêm yết trên sàn để mở rộng khả năng huy động vốn.