Top 5 doanh nghiệp lãi bằng lần trên sàn có gì? Nguồn: Kido Foods

 
Vũ Hoài Thứ Sáu | 15/11/2019 11:40

Top 5 doanh nghiệp lãi tăng bằng lần trên sàn có gì?

Trong số các doanh nghiệp báo lãi trên sàn, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần trong quý III/2019.

Theo dữ liệu thống kê của FiinPro đến ngày 06/11, toàn thị trường (UPCoM, HNX và HoSE) có 847 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019, trong đó có 371 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng rất nhiều lần về lãi sau thuế so với quý III/2018.

Top 5 doanh nghiệp tăng trưởng lãi mạnh nhất toàn thị trường. Nguồn: FiinPro.
Top 5 doanh nghiệp tăng trưởng lãi mạnh nhất toàn thị trường. Nguồn: FiinPro.

Ghi nhận mức tăng trưởng đột biến nhất trên sàn về lãi sau thuế trong quý III/2019 là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HoSE: PTC) với khoản lãi hơn 44 tỷ đồng, gấp rất nhiều lần mức 30 triệu cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, việc đem lại lợi nhuận đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh mà đến từ hoạt động tài chính.

 

Công ty cũng giải trình về kết quả đột biến trong quý III/2019, do Công ty có thay đổi danh mục đầu tư, bán một số mã cổ phiếu đã đầu tư năm 2018 dẫn đến doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong quý III/2019, Công ty đã mua lại toàn bộ trái phiếu nên giảm được chi phí lãi trái phiếu đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

PTC là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và sản xuất các sản phẩm từ nhựa,...Tuy nhiên, nguồn lực lại tập trung vào hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh, cho vay và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.

Đối với khoản mục tài sản ngắn hạn, phần lớn nguồn tiền của PTC được dồn vào mảng đầu tư chứng khoán kinh doanh và cho vay.

Cơ cấu tài sản ngắn hạn của PTC (VND). Nguồn: PTC.
Cơ cấu tài sản ngắn hạn của PTC (VND). Nguồn: PTC.

Trong khi PTC lấn sân “đánh chứng”, cho vay làm lãi  thì CTCP Vinam (HNX: CVN) lại “sống nhờ công ty con”.

Với mức lãi sau thuế hơn 17 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 230 triệu trong quý III/2018, CVN đứng thứ hai trong danh sách các Công ty tăng trưởng lãi mạnh nhất trong quý III/2019 ( xét theo % tăng trưởng).

 

CVN cho biết doanh thu trong quý III/2019 tăng mạnh do các công ty con của CVN đẩy mạnh công tác bán hàng. Ngoài ra, trong kỳ Công ty cũng kiểm soát tốt các loại chi phí, từ đó tăng lãi sau thuế so với cùng kỳ 2018. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019,  CVN không trình bày cụ thể các khoản đầu tư vào Công ty con.

Trong khi đó, CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (UPCoM: KDF) và CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (HNX: BKC) lại ghi nhận "lãi bằng lần" nhờ đóng góp của hoạt động kinh doanh chính. 

Đối với KDF, với mức lợi nhuận sau thuế hơn 48,7 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 816 triệu đồng cùng kỳ năm trước, đứng thứ ba trên bảng xếp hạng. KDF cho biết, nhờ việc tổ chức và tái cấu trúc bộ phận bán hàng, tập trung phát triển mở rộng khách hàng mới và các nhóm sản phẩm kem cốt lõi, các sản phẩm kem mới giúp doanh số tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các loại chi phí trong kỳ của KDF cũng giảm so với cùng kỳ. Từ đó, lãi sau thuế quý III/2019 của KDF đột biến so với cùng kỳ 2018.

 

Còn đối với BKC, với khoản lãi hơn 18 tỷ đồng trong quý III/2019, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 420 triệu đồng, BKC đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lãi tăng bằng lần.

BKC cho biết, nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng mạnh đến từ việc gia tăng khối lượng sản phẩm nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu đến từ khoáng sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu của BKC 9 tháng đầu năm 2019. Đồng thời, BKC cũng thanh lý tài sản trong kỳ, thu về 10 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.

Ở một khía cạnh khác, CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng với khoản lãi sau thuế hơn 11 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 220 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty cũng không có gì nổi bật, đóng góp chủ yếu trong sự đột biến kết quả kinh doanh do ảnh hưởng của khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Xét về giá cổ phiếu của 5 doanh nghiệp trên, có tới 3 doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới mệnh giá là BKC, BTS và PTC. Trong đó, BKC thuộc diện bị cảnh báo, PTC thuộc diện bị kiểm soát. Duy chỉ có KDF và CVN đang được giao dịch bình thường với mức giá lần lượt 31.700 đồng/cổ phiếu và 12.700 đồng/cổ phiếu (tính đến 10h45 phiên 15/11).

►FPT báo lãi ròng hơn 3.000 tỷ đồng sau 10 tháng

►Bất động sản 'đứng hình', ngành thép lao đao