Tổng thư ký VASEP: Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nhiều hỗ trợ
Kết quả thống kê sơ bộ của VASEP, đến cuối tháng 3/2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, tôm chiếm tỷ trọng 33%, cá tra và hải sản cùng 33%.
Thế nhưng, VASEP chỉ dám đánh giá tình hình thông qua con số chứ chưa dám nói đây là sự tăng trưởng thật sự. Nhiều ý kiến cho rằng doanh số xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng là nhờ giá.
Đơn cử về nguyên liệu cá, bao gồm cả số lượng lẫn chất lượng, rõ ràng tình hình đang có những bất cập, như thiếu hụt nguồn thanh toán đã khiến hàng loạt nông dân bỏ ao nuôi cá tra; việc thiếu nghiêm ngặt trong việc quản lý con giống, quản lý thuốc và các vấn đề liên quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng chất lượng sản phẩm thủy sản hiện nay.
Cụ thể, trong ngành tôm, vấn đề về kháng sinh đã gây nhiều xôn xao, kéo theo đó là những tác động đến thị trường như sụt giảm năng suất xuất khẩu, đưa doanh nghiệp đi đến khó khăn, đình đốn. Thực tế, để giải quyết vấn đề này, trước hết cần phải đặt ra một chương trình dài hạn không chỉ áp dụng các biện pháp về kỹ thuật, mà còn phải ứng dụng những biện pháp về kinh tế.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các ngân hàng đối với doanh nghiệp. Cụ thể, giúp doanh nghiệp phân tích hiệu quả vốn vay cũng như quản trị được nguồn vốn vay của mình.
Hiện nay, doanh nghiệp rất cần vốn, nhưng phải thừa nhận họ không thể tiếp cận ngân hàng. Điều này xảy ra ở hai trường hợp. Thứ nhất, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Thứ hai, doanh nghiệp đã vay nhiều rồi, nên không thể tiếp tục vay nữa. Đa phần các doanh nghiệp thủy sản rơi vào trường hợp thứ hai.
Do đó, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp phải tìm cách cấu trúc lại vốn vay. Theo đó, để hiện thực hóa, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải “bắt tay” với các ngân hàng.
Song song với vấn đề nguyên liệu, nguồn vốn, mới đây, những khó khăn về phí vận chuyện, điển hình là việc tăng cước vận chuyển từ các hãng tàu đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Trong khi đó, chi phí lao động không còn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam.
Theo đó, thuế môi trường đánh vào túi ny lông chính thức có hiệu lực, cũng đã giáng thêm đòn “chí mạng” xuống các doanh nghiệp thủy sản. Ước tính, với mỗi một ký lô bao bì nếu đóng thuế môi trường như hiện nay sẽ tăng thêm chi phí khoảng 20cent/kg sản phẩm.
Với 1,5 triệu tấn sản phẩm xuất khẩu hàng năm thì rõ ràng đây sẽ là con số không nhỏ. Theo điều tra, Thái Lan và một số nước lân cận không phải đóng thuế ở lĩnh vực bao bì mà chỉ đóng thuế đối với túi xách và màng mỏng.
Ngã tư đường
Sau năm 2011, do đang thiếu hụt tài chính nên lượng hàng thủy sản tại thị trường châu Âu và Trung Đông tồn kho khá nhiều, đã đưa thị trường đến ngưỡng thực sự khó khăn. Vì vậy, cho đến thời điểm này, mức giá và sự tăng trưởng ở hai thị trường trên vẫn không thể nhích lên được, mặc dù đã qua hết quý I/2012.
Tại thị trường Mỹ, tình trạng cũng không mấy khá hơn, bởi lượng hàng tồn kho tại đây cũng khá lớn. Dự báo, phải mất gần hai tháng nữa thị trường Mỹ mới có thể tiêu thụ hết lượng hàng đó. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng một số các đơn hàng hiện nay buộc lòng phải bán với mức giá vừa phải để thu được tiền nếu không muốn bị trả chậm.
Trong khi đó, vấn đề kháng sinh hiện vẫn đang là mối lo lớn của các doanh nghiệp thủy sản trước thị trường Nhật. Nguyên nhân chính thực ra vẫn nằm ở việc quản lý và kiểm soát kháng sinh ở khâu nuôi trồng bởi doanh nghiệp không thể bỏ kháng sinh vào sản phẩm được.
Trước thực trạng cả bốn thị trường lớn đang gặp những khó khăn chung, vấn đề hiện nay là phải làm thế nào để cải thiện được tình hình? Doanh nghiệp nên chủ động tổ chức nuôi trồng để đảm bảo được nguồn nguyên liệu, đồng thời đưa chất lượng nguyên liệu ngày càng cao hơn.
Mặc khác, Chính phủ cũng nên có những chính sách về chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy mới có thể động viên doanh nghiệp chủ động hơn trong tiết giảm chi phí lẫn tái cấu trúc các nguồn vốn vay, các khoản nợ để đảm bảo tối đa hóa nguồn vốn bỏ ra cho thủy sản.
Song, cốt lõi vẫn là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp. Bởi với những vấn đề liên quan như hiện nay chúng ta có thể thấy rằng, bản thân ngành thủy sản không làm doanh nghiệp lỗ, điều quan trọng là doanh nghiệp sử dụng đồng vốn cho thủy sản bao nhiêu phần trăm?
Mỗi năm VASEP có khoảng 10 chương trình xúc tiến thương mại, nhưng đến thời điểm này, hầu như chỉ còn một chương trình duy nhất đó là Hội chợ Thủy sản Boston (Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, kinh phí cho chương trình cũng không đủ. Mới đây, đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ đã chủ động chi hơn 5 tỷ đồng để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại hội chợ này.
Dự kiến từ tháng 4/2012, thị trường Nhật sẽ khởi động nhập khẩu trở lại tôm từ Việt Nam nên VASEP kỳ vọng rất nhiều. Song, một trở ngại lớn nhất hiện nay là VASEP không còn tiếp cận được những số liệu chi tiết từ phía hải quan, nên rất khó khăn cho công tác hoạch định, dự báo và đặc biệt là công tác phục vụ cho các vụ kiện chống bán phá giá hiện nay đối với cá tra và tôm.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
Nguồn DNSG