Thứ Sáu | 14/02/2014 14:18

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm: 2014 kỳ vọng đặt hết vào mảng nhân thọ

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - tỏ ra khá lạc quan về thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014.

Năm 2013 doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường thấp, theo ông, nguyên nhân do các doanh nghiệp trong ngành chưa lường trước khó khăn, hay quá lạc quan?

Nói thật, kết quả đạt được như vậy trong năm 2013 cũng là sự cố gắng rất cao của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Ngay từ đầu năm 2013, các DNBH đã đánh giá ngành bảo hiểm đối mặt với nhiều thách thức: Lượng hàng tồn kho khổng lồ của thị trường bất động sản; nút thắt tín dụng chưa được tháo gỡ và niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư rất thấp.

Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến tất cả các mảng kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, với bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thì sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn tới thu nhập từ lương giảm sút tích lũy suy giảm, nên mặc dù nhu cầu bảo hiểm vẫn có nhưng người dân không đủ năng lực tài chính. Còn với bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), việc các DN giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động đã kéo nhu cầu mua bảo hiểm xuống thấp, đặc biệt là những DN thuộc lĩnh vực xây lắp.

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trước đây tình hình kinh doanh thuận lợi, các NH sẵn sàng cho vay vốn bao gồm cả tiền mua bảo hiểm thì nay không nhận được sự hỗ trợ này. Vì vậy mặc dù đã nỗ lực, nhưng tăng trưởng của toàn ngành năm 2013 chỉ được 9,1%, thấp hơn chỉ tiêu khoảng 10%-12% đề ra từ đầu năm.

Vậy triển vọng của năm 2014 đối với ngành bảo hiểm sẽ thế nào, thưa ông?

Mặc dù khó khăn nhưng năm 2013, tổng đầu tư vào nền kinh tế của các DNBH vẫn đạt 105 ngàn tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD. Sang năm 2014, kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn với nhiều lý do. Trước tiên, chính sách hỗ trợ thúc đẩy, nới lỏng đầu tư công, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng của Chính phủ như tăng tỉ lệ bội chi lên 5,3% GDP hay phát hành 170 ngàn tỉ đồng TPCP để đối ứng cho dự án ODA.

Năm 2013, vốn FDI đăng ký hơn 21 tỉ USD sẽ được giải ngân trong năm 2014 sẽ kích thích một số ngành kinh tế tăng trưởng như xây lắp, giao thông kéo theo sự tăng trưởng cho ngành bảo hiểm nhất là BHPNT. Bên cạnh đó, một loạt chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho bảo hiểm như triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, BHNT do chủ sử dụng lao động mua hay bảo hiểm nhà máy điện nguyên tử,... Dự kiến tăng trưởng BHPNT năm 2014 là 10-11%, BHNT là 15-16% và đầu tư cho nền kinh tế khoảng 120 ngàn tỉ đồng.

Đâu là cơ sở để ông dự kiến tốc độ tăng trưởng BHNT sẽ gấp 1,5 lần BHPNT?

Đúng là tăng trưởng giữa BHPNT và BHNT có chênh lệch khá lớn. Như năm trước, xác định khó khăn nên mục tiêu Bộ Tài chính đề ra với BHPNT là 11-12%, nhưng kết thúc năm 2013 thì kinh doanh BHPNT chỉ tăng 8,5%. Ngược lại với BHNT mục tiêu đặt ra là 13-14% thì lại có mức tăng trưởng lên tới 16%.

Sau khi xem xét, chúng tôi tìm ra nguyên nhân là do các kênh thu hút tiền nhàn rỗi của người dân là bất động sản, vàng, chứng khoán, tiết kiệm ngân hàng đã không còn hấp dẫn nên thị phần trong "miếng bánh" tiền nhàn rỗi của BHNT tăng lên.Hơn nữa, với việc học phí tăng, viện phí tăng như thời gian qua thì nhiều người đã lo lắng tới viễn cảnh tương lai không đủ tài chính để thanh toán nếu không có tích lũy ngay từ bây giờ. Hay như thực tế, nhiều gia đình có cha mẹ già đang phải đối mặt thực tế 2 người con phải lo cho 4 bố mẹ thường xuyên đau yếu.

Thậm chí, nhiều người con phải nghỉ hẳn việc để chăm sóc cho bố mẹ và bây giờ nhiều người ở độ tuổi 30-40 tuổi đã quan tâm tới BHNT để lo cho tuổi già chính mình. Đấy cũng là lý do khiến tốc độ tăng trưởng của BHNT cao hơn nhiều tăng trưởng của BHPNT. Vì vậy, năm 2014 tôi cũng kỳ vọng BHNT sẽ tiếp tục bứt phá mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lao Động


Sự kiện