Tổng quan về nhà đầu tư "rót" 10 triệu USD vào VTC Online
Đầu tháng 8, DWS Vietnam Fund (DWS) đã hoàn tất bản hợp đồng đầu tư 10 triệu USD vào CTCP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) thông qua công ty quản lý quỹ là Duxton Asset Management Pte. Ltd (Duxston).
Với khoản tiền đầu tư từ DWS, VTC Online sẽ dùng để phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm mạng xã hội go.vn; sản xuất game; phát hành game; phát triển sản phẩm dịch vụ truyền thông; truyền hình; phát triển giáo dục online, offline
Nhìn lại báo cáo tài sản của DWS, cuối năm 2011, quỹ này có khoảng 20 triệu USD tiền mặt, chiếm 10,2% giá trị tài sản ròng của quỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ trọng tiền mặt trong tài sản của DWS giảm, đến 30/6 tiền mặt chiếm 6,13% NAV của quỹ, tương đương khoảng 13,6 triệu USD.
Trong danh mục đầu tư của DWS tại 30/6/2012, cổ phiếu niêm yết chiếm 46,28%NAV, chưa niêm yết chiếm 31,16% NAV của quỹ với trị giá lần lượt là 102 triệu USD và 69,4 triệu USD.
Một số cổ phiếu mà DWS hiện đang nắm giữ là VNM, PVD, FPT, HPG, Greenfeed (công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi), Prime Group, công ty bảo vệ thực vật An Giang... Tháng 5, DWS đã bán một lượng cổ phiếu VNM thu về 1 triệu USD. VTC Online là công ty chưa niêm yết thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số đầu tiên được DWS đầu tư.
Như vậy, với việc đầu tư vào VTC Online, nguồn tiền mặt cũng như cơ cấu tài sản của DWS có thể thay đổi đang kể và khoảng 2 tháng nữa khi DWS công bố báo cáo, nhà đầu tư sẽ thấy rõ được sự thay đổi trong cơ cấu tài sản của DWS.
Tại sao chọn Việt Nam?
DWS Vietnam Fund được quản lý bởi Deutsche Asset Management (Asia) Ltd. (DeAM Asia) thuộc Deutsche Bank. Tháng 4/2009, DeAM Asia đã chỉ định Duxton - công ty có trụ sở tại Singapore quản lý một số khoản đầu tư của DWS tại Việt Nam. Duxton được dẫn dắt bởi một cựu Giám đốc của Deutsche Bank - ông Ed Peter.
Hiện Duxton quản lý khối tài sản trị giá 600 triệu USD thông qua một số thương vụ đầu tư vào Việt Nam và lĩnh vực nông nghiệp, rượu.
Trong báo cáo đầu tư phát đi tháng 1/2011, Duxton cho rằng nhờ có hệ thống chính trị ổn định, các chính sách thu hút đầu tư nên Việt Nam đã trở thành 1 trong những quốc gia hấp dẫn đầu tư hàng đầu châu Á. Điều này khiến Duxton lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam thông qua DWS.
Duxton cho hay, trong giai đoạn 1990 đến 2009, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình 7%. Mặc dù kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,32% trong năm 2009, một trong 3 quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Nguồn: Duxton
Nhân khẩu học thuận lợi cũng là một nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế: 60% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi; mức lương tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các yếu tố như Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước và đẩy mạnh phát triển hạ tầng cũng là những yếu tố được Duxton cho là điểm tựa khi đầu tư.
Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm trong thời gian qua, từ mức giá trị tài sản ròng ban đầu là 500 triệu USD cuối 2009, đến 30/6/2012, giá trị tài sản ròng của quỹ giảm 52,48%, còn 222,6 triệu USD. Trước đó, năm 2011, DWS lỗ ròng 45 triệu USD sau khi đã lỗ 25,4 triệu USD trong 2010.
Theo thống kê của Rothchild, tại 30/6/2012, DWS là quỹ có tỷ lệ chiết khấu lớn thứ hai (57%) trong 17 quỹ ngoại đang hoạt động tại Việt Nam.
Nguồn: DWS Vietnam Fund
VTC Online được thành lập năm 2008, trực thuộc Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam - VTC. Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số, một trong 3 mũi nhọn TMT (Technology - Media - Telecom) đang được VTC tập trung phát triển VTC Online có 6 chi nhánh và văn phòng đại diện trên cả 3 miền và 4 công ty con tại Hàn Quốc, Indonesia, Campuchia và Lào. HĐQT VTC Online đặt mục tiêu, đến năm 2015, công ty phải đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán bao gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và HSX (Việt Nam). |
Nguồn Khampha