Thứ Ba | 13/11/2012 11:39

Tổng nợ cơ cấu lại lên tới 252.000 tỷ đồng

Theo Thống đốc, số nợ đã được cơ cấu lại chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, nếu quyết tâm xử lý thì nợ xấu có thể chững lại và không tăng nữa, vấn đề nợ xấu có thể giải quyết được nhưng không phải dễ dàng.

Theo Thống đốc, nợ xấu của hệ thống ngân hàng không phải bây giờ mới nhìn thấy mà từ tháng 8/2011 đã thấy nguy cơ nợ xấu tăng rất nhanh. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên NHNN công bố tỷ lê nợ xấu, bởi theo kinh nghiệm, khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ làm cho nợ xấu tăng cao, vì vậy, phải có giải pháp căn cơ nếu không nợ xấu sẽ gây ảnh hưởng không chỉ 1 - 2 năm mà có thể lên tới 10 - 15 năm.

Thống đốc khẳng định, với 3 số liệu về nợ xấu (của tổ chức tín dụng, NHNN và tổ chức quốc tế), số liệu đáng tin cậy nhất là số liệu của cơ quan Nhà nước. Theo số liệu của tổ chức tín dụng, đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82%. Nợ xấu cũng liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, đến tháng 10/2012, nợ xấu tăng khoảng 66%.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, nợ xấu tăng cao là do 5 nhóm nguyên nhân chính, tại các tổ chức tín dụng cho vay vốn, tại doanh nghiệp đi vay, do cơ chế về chính sách, môi trường trong và ngoài nước, do thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng và các lĩnh vực khác.

Từ đó, Thống đốc đưa ra một số giải pháp, trong đó NHTM có trách nhiệm trước tiên, NHNN chịu trách nhiệm về cơ chế chính sách và thanh tra giám sát.

Với NHTM, thời gian qua do nhiều nguyên nhân như tăng trưởng tín dụng quá nóng, mà tăng trưởng tín dụng nóng cũng được coi là bong bóng, khi môi trường kinh doanh trở nên xấu sẽ thành nợ xấu.

Hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như cơ cấu lại nợ với thời hạn, lãi suất thích hợp. Đến 30/6, tổng nợ được cơ cấu lại 36 nghìn tỷ đồng, đến 30/9 tăng lên 252 nghìn tỷ đồng. Với dư nợ tín dụng cỡ 2,7 triệu tỷ đồng, số nợ đã cơ cấu lại đến 30/9 chiếm xấp xỉ 8%.

Nếu không có giải pháp quyết liệt như này, nợ xấu của các tổ chức tín dụng không chỉ là 4,93%, Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã thực hiện trích lập dự phòng tốt. Từ đầu năm đến nay, số dự phòng rủi ro đã được trích lập là 75 nghìn tỷ đồng và đã có 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ số dự phòng đã trích lập này.

NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát nợ vay và tính số dự phòng. Tổ chức nào không trích đủ dự phòng thì không được chia cổ tức. "NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giám sát chia cổ tức và tiền lương để đảm bảo trích lập đủ dự phòng rủi ro", Thống đốc chia sẻ.

Về xử lý tài sản đảm bảo, lãnh đạo NHNN cho biết, dư nợ của toàn nền kinh tế khoảng 2,7 triệu tỷ đồng thì 73% có tài sản đảm bảo, trong đó có 66% được đảm bảo bằng bất động sản. Tính tổng lại, dư nợ có đảm bảo bằng bất động sản chiếm khoảng 46%.

Trong nợ xấu, theo báo cáo của tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu là 4,93%, trong số nợ xấu đó có 80% có tài sản đảm bảo (57% được đảm bảo bằng bất động sản).

Do vậy, Thống đốc nhận định xử lý nợ xấu cần có sự phối hợp với các bộ ngành, như Bộ Xây dựng để xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

Về mặt tài chính, có đủ nguồn vốn để xử lý việc đó, nhưng thị trường bất động sản phải xử lý được lượng tồn kho bởi hiện nay bất động sản không có người mua, Thống đốc khẳng định.

Ngoài ra, cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính, chính quyền địa phương xử lý tồn đọng xây dựng cơ bản, khoảng 93 nghìn tỷ đồng.

Hiện NHNN cũng đã làm việc với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giải quyết ứ đọng hàng hóa nông nghiệp, thủy sản. Phối hợp với Bộ Công thương rà soát lại tồn kho trong các lĩnh vực.

Nguồn Khampha


Sự kiện