Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,2%
Tổng cục Thống kê vừa công bố tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 486,4 nghìn tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 cũng có những kết quả ấn tượng khi ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), đóng góp 7,4% vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%, đóng góp 0,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1%; ngành khai khoáng tăng 5%, đóng góp 0,8% trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 25%; Hà Tĩnh giảm 15,6%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2022 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy lao động đang dần quay trở lại với thị trường.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với tháng trước, CPI tháng 10/2022 tăng 0,15% (khu vực thành thị tăng 0,24%; khu vực nông thôn tăng 0,04%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm hàng giảm giá. Giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng so với tháng trước. So với tháng 12/2021 CPI tháng 10 tăng 4,16% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,3%.