Tổng hợp tin thị trường gạo thế giới nổi bật ngày 21/7
Việc Indonesia phụ thuộc ngày càng nhiều vào các loại hạt giống lai nhập khẩu gây lo ngại rằng các giống gạo địa phương sẽ bị tuyệt chủng.
Indonesia là một trong những quốc gia nhập khẩu gạp nhiều nhất thế giới. Hàng năm, chính phủ nước này tiêu tốn gần 5,7 nghìn tỷ rupiah (tương đương 604,2 triệu USD) để mua hạt giống lúa lai. Tuy nhiên, nông dân và các tổ chức lương thực khu vực cho rằng việc gieo trồng một cách bừa bãi các giống lúa lai này sẽ gây hại đến sản lượng gạo trong nước.
Đại diện của Hiệp hội Nhân dân về Chủ quyền Lương thực (KRKP) cho biết các giống lúa lai cho năng suất thấp hơn so với các giống lúa nội địa và đồng thời sức đề kháng với sâu bệnh cũng kém hơn.
Nông dân địa phương cũng cho biết các giống lúa lai thường chỉ cho năng suất cao trong vụ thu hoạch đầu tiên. Đến các vụ mùa sau đó, chi phí sản xuất thường đội lên rất cao do phải tăng cường dùng thuốc trừ sâu.
Nông dân Pakistan không còn mặn mà với giống lúa basmati
Cựu Phó chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) cho biết diện tích trồng và sản lượng lúa basmati đang giảm đi vài năm gần đây do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.
Sản lượng năm 2011-2012 là 2,4 triệu tấn, thấp hơn 7% so với mục tiêu 2,6 triệu tấn đã đặt ra. Lượng gạo basmati xuất khẩu của Pakistan năm nay cũng giảm 16% so với 4 năm về trước, đạt 1 triệu tấn.
Hơn nữa diện tích trồng lúa basmati đã giảm gần 30% xuống chỉ còn 1 triệu ha, trong khi diện tích trồng trọt 5 năm trước là 2,8 triệu ha.
Nguyên nhân nông dân không mấy mặn mà với việc trồng lúa basmati là do các nhà xuất khẩu nước này không cạnh tranh được với gạo basmati của Ấn Độ, thiếu việc nghiên cứu và chi phí sản xuất cao. Trong khi nông dân trồng lúa basmati Ấn Độ được chính phủ tài trợ phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng, hạt giồng thì nông dân Pakistan không nhận được hỗ trợ nào từ chính phủ nước này.
Nguồn Oryza/Tổng hợp/Khampha