Tổng hợp tin thị trường gạo thế giới ngày 7/6
Tăng tự cung tự cấp trong sản xuất lúa gạo và tích lũy hàng tồn kho sẽ giúp Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo trong thập kỷ tới từ năm 2022, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Trong khi đó, báo cáo cho rằng nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc thô của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới do nhu cầu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nhập khẩu gạo sẽ giảm xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2022, thấp hơn so với giai đoạn 2010-2012, chủ yếu là do thay đổi thói quen ăn uống và sản xuất.
Sản lượng gạo Trung Quốc dự kiến đạt 137 triệu tấn năm 2022, giảm khoảng 1% so với giai đoạn cơ sở (2010-2012) chủ yếu giảm diện tích đất canh tác và chất lượng đất. Tiêu thụ gạo dự kiến sẽ tăng lên khoảng 140 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu sẽ được đáp ứng một phần nhờ lượng gạo tích trữ đạt mức cao nhất khoảng 105 triệu tấn năm 2018 và sau đó giảm xuống còn khoảng 98 triệu tấn năm 2022. Báo cáo cũng cho biết, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người sẽ giảm 0,2%/năm xuống 76,5 kg vào năm 2022 khi tiêu thụ thịt và sữa tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bangladesh lên kế hoạch tăng dự trữ gạo lên 3 triệu tấn vào năm 2020
Bangladesh lên kế hoạch tăng dự trữ gạo lên khoảng 3 triệu tấn vào năm 2020, tăng 76% so với mức hiện tại là 1,7 triệu tấn. Theo các nguồn tin địa phương, chính phủ dự định tăng lượng gạo dự trữ hiện nay lên 1,9 triệu tấn vào năm 2014 và 2 triệu tấn vào năm 2015. Các quan chức nói rằng việc tăng dự trữ gạo sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đảm bảo lợi nhuận tốt cho người nông dân và cũng giúp nước này trở thành một nước xuất khẩu gạo trong tương lai.
Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ tư thế giới với khoảng 34 triệu tấn. Năm ngoái, chính phủ nước này cho phép xuất khẩu gạo thơm để giúp nông dân tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo thường vẫn còn bị cấm do biến động giá cả và khả năng lưu trữ thấp.
Nhập khẩu gạo Nga dự kiến tăng 15% trong năm 2013-2014
Nga dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 230.000 tấn trong 2013-2014 (tháng 5/2013-4/2014), tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, theo báo cáo của USDA tại Moscow. Nhập khẩu tăng chủ yếu do tiêu thụ tăng lên khoảng 700.000 tấn trong 2013-2014, tăng khoảng 3% so với năm trước.
Nguồn Oryza/Dân Việt