Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 8/4
Giá gạo thế giới ngày 8/4/2015
Xuất khẩu gạo Campuchia 3 tháng đầu năm đạt 149.464 tấn
3 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 149.464 tấn, tăng 77% so với 84.331 tấn cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Một cửa Thủ tục xuất khẩu gạo (SOWS-REF).
Riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 75.867 tấn, tăng 101% so với 37.676 tấn trong tháng 2/2015 và tăng 112% so với 35.758 tấn tháng 3/2014.
Năm 2014, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 387.061 tấn.
Trung Quốc đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu chính của gạo Campuchia, tiếp đến là Pháp, Ba Lan, Malaysia và Hà Lan. Xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3 chủ yếu nhờ việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng quy định nhập khẩu. Tháng 3, Trung Quốc nhập khẩu 36.081 tấn gạo từ Campuchia, chiếm 48% khối lượng gạo xuất khẩu của Campuchia.
Tháng 8/2014, Campuchia đã ký thỏa thuận thời hạn 12 tháng với Trung Quốc để xuất khẩu 100.000 tấn gạo. Tính đến tháng 3/2015, Campuchia đã xuất khẩu 80.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 4 hoặc tháng 5/2015, theo Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia.
Nhập khẩu gạo Indonesia 2014-2015 dự đoán đạt 1,25 triệu tấn
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) ước tính nhập khẩu gạo của Indonesia niên vụ 2014-2015 (tháng 1-12/2015) đạt 1,25 triệu tấn, tăng nhẹ so với 1,225 triệu tấn niên vụ 2013-2014, trong đó gồm 400.000 tấn gạo chất lượng trung bình và 850.000 tấn gạo chất lượng cao.
Tại Indonesia, hiện chỉ có Cơ quan Hậu cần Quốc gia Bulog được phép nhập khẩu gạo chất lượng trung bình, trong khi lĩnh vực tư nhân được phép nhập khẩu gạo chất lượng cao (basmati, Thai Hom Mali, và Japonica) cũng như gạo 100% tấm, gạo nếp và gạo dành cho người bệnh tiểu đường.
Chính phủ Indonesia muốn Bulog duy trì ít nhất 2 triệu tấn gạo lưu kho vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do sản lượng gạo bất ngờ giảm và lượng thu mua không đạt mục tiêu đề ra, chính phủ đã cho phép Bulog nhập khẩu 500.000 tấn gạo, gồm 300.000 tấn gạo 25% tấm chất lượng trung bình và 200.000 tấn gạo 5% chất lượng cao. Đến nay, Bulog đã nhập khẩu 425.000 tấn gạo. Bulog đặt mục tiêu thu mua 3,2 triệu tấn gạo của nông dân trong nước.
Dựa vào dự đoán của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (Badan Pusat Statistik - BPS), USDA Post ước tính sản lượng gạo niên vụ 2014-2105 của Indonesia đạt 36,3 triệu tấn (57,165 triệu tấn lúa), giảm 0,5% so với 36,5 triệu tấn ước tính chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Lúc đầu Bulog đặt mục tiêu thu mua 3,2 triệu tấn gạo trong niên vụ 2014-2015, tăng 6,7% so với 3,6 triệu tấn niên vụ trước. Tuy nhiên, do quá trình thu mua bị chậm trễ, tháng 3 vừa qua Bulog đã điều chỉnh mục tiêu xuống 2,5 triệu tấn. Tính đến 31/3/2015, Bulog đã thu mua được 30.000 tấn, thấp hơn nhiều so với 320.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ Indonesia cũng đã nâng giá thu mua lúa gạo (Harga Pembelian Pemerintah - HPP). Nếu chính phủ không đạt được mục tiêu thu mua lúa gạo, có thể phải xem xét nhập khẩu thêm để duy trì lượng gạo lưu kho của Bulog.
Chính phủ Indonesia đã quyết định phân phối 2,795 triệu tấn gạo theo chương trình Raskin cho 15.530.897 hộ gia đình với giá bán 1.600 rupiah/kg (123 USD/tấn) trong niên vụ 2014-2015.
USDA Post ước tính tồn kho gạo cuối vụ của Indonesia niên vụ 2014-2015 đạt 4,451 triệu tấn, tăng nhẹ so với 4,101 triệu tấn niên vụ trước.
Nguồn DVO/Oryza