Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 21/4
Giá gạo thế giới ngày 21/4/2016
Giá gạo châu Á tăng do nguồn cung thắt chặt, baht Thái tăng giá
Nguồn cung thắt chặt vào cuối vụ lúa chính đẩy giá gạo Việt Nam lên gần bằng sản phẩm cùng loại của Thái Lan - tăng giá do đồng nội tệ (baht) mạnh lên so với USD, giới thương nhân cho biết.
Nông dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, trong khi xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm 2016 đồng nghĩa rằng lượng gạo lưu kho sẽ giảm.
Việc xuống giống vụ tới có thể bị trì hoãn do thời tiết khô hạn.
Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này dao động ở 365-385 USD/tấn (FOB), tăng so với 373-380 USD/tấn một tuần trước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay dự báo tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015 lên trên 3 triệu tấn do nhu cầu tăng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán.
Trong khi đó, một thương nhân tại TP.HCM cho hay, giá gạo Việt Nam lên gần bằng giá gạo cùng loại của Thái Lan khiến lực mua giảm mạnh. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện tăng lên 382-390 USD/tấn (FOB) so với 371-388 USD/tấn hôm 11/4 trước khi thị trường Thái đóng cửa nghỉ lễ.
Giá gạo Thái Lan tăng chủ yếu do đồng nội tệ, baht, mạnh lên so với USD cùng với lực mua tăng sau khi thị trường mở cửa trở lại hôm thứ Hai 18/4.
Thái Lan và Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn nhất và thứ 3 thế giới sau Ấn Độ - chiếm khoảng 40% lượng gạo thương mại toàn cầu.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) trong báo cáo thị trường lúa gạo tháng 4/2016 dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2016 đạt 10,2 triệu tấn, giảm so với 10,6 triệu tấn năm 2015; xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 8,7 triệu tấn, giảm so với 10,4 triệu tấn năm 2015; và Việt Nam 8,7 triệu tấn.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2016 có thể tăng 1% so với năm 2015 lên 44,9 triệu tấn.
Nhập khẩu gạo của EU từ đầu niên vụ 2015-2016 đạt 775.685 tấn, tăng 14%
Theo số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), nhập khẩu gạo của các nước EU từ đầu niên vụ 2015-2016 đến nay (từ 1/9/2015 đến 12/4/2016) đạt 775.685 tấn, tăng 14% so với 677.837 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu gạo Japonica cùng kỳ tăng 3% lên 59.111 tấn so với 57.218 tấn cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu gạo Indica tăng 15% lên 716.574 tấn so với 620.619 tấn cùng kỳ năm 2014-2015.
Anh tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất giai đoạn từ 1/9/2015 đến 12/4/2016 với 173.141 tấn, tiếp đến là Pháp 129.612 tấn, Hà Lan 89.612 tấn, Đức 60652 tấn, Ba Lan 59.170 tấn và Italia 56.176 tấn.
Trong tuần kết thúc vào 12/4/2016, nhập khẩu gạo của EU đạt 25.456 tấn, tăng 14% so với 29.670 tấn trong tuần kết thúc vào 5/4/2016.
Niên vụ 2014-2015, EU nhập khẩu 1,143 triệu tấn gạo, tăng 12,7% so với 1,013 triệu tấn năm 2013-2014.
Nhật Trường