Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
Giá gạo thế giới ngày 13/4/2016
FAO dự báo sản lượng gạo toàn cầu 2016-2017 đạt 495,2 triệu tấn, tăng 1%
Trong Báo cáo Cung-cầu Ngũ cốc tháng 4/2016, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2016-2017 đạt 495,2 triệu tấn, tăng 1% so với 490,3 triệu tấn năm 2015-2016.
Dự báo được đưa ra với giả định tình hình thời tiết thông thường sẽ trở lại vào đúng thời gian gieo cấy vụ lúa chính tại châu Á, sau 2 vụ liên tiếp diễn ra những cơn mưa bất thường ảnh hưởng đến hoạt động xuống giống, FAO cho biết.
Theo ước tính của FAO, sử dụng gạo toàn cầu năm 2016-2017 tăng 1,4% lên 503,4 triệu tấn, tăng 1,5% so với 496,2 triệu tấn năm 2015-2016. Trong đó, 405 triệu tấn được dự đoán sử dụng làm lương thực. FAO dự đoán tiêu thụ gạo theo đầu người hàng năm ổn định ở 54,6 kg/người.
FAO ước tính dự trữ gạo toàn cầu năm 2016 đạt 164 triệu tấn, giảm 3% so với 168,9 triệu tấn năm 2015, chủ yếu do dự trữ tại các nước xuất khẩu chủ chốt giảm.
FAO dự đoán tỷ lệ dữ trữ/sử dụng ở 32%, giảm so với 33,6% năm 2015.
Thương mại gạo toàn cầu được dự đoán đạt 44,1 triệu tấn, giảm so với 44,9 triệu tấn năm 2015 do nhập khẩu của các nước châu Phi sụt giảm.
World Bank khuyến nghị Philippines chấm dứt hạn ngạch nhập khẩu gạo
Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị Philippines chấm dứt áp đặt hạn ngạch nhập khẩu gạo và mở cửa thị trường gạo, Reuters đưa tin.
Rogier van den Brink, nhà kinh tế tại WB, khuyến nghị rằng chính phủ Philippines nên thay thế trần nhập khẩu gạo bằng việc áp thuế 30% so với mức hiện nay 35%.
Đầu năm nay, ông Rogier van den Brink đã lưu ý rằng việc mở cửa thị trường gạo đối với Philippines là cần thiết để kiềm chế giá tăng và nâng cao hiệu quả của ngành lúa gạo nội địa. Ông Brink cũng nhấn mạnh chính sách độc quyền của chính phủ về việc nhập khẩu gạo không mang lại lợi ích cho người nông dân.
Trong viễn cảnh mới nhất, WB vẫn giữ dự báo tăng trưởng của Philippines ở 6,4% trong năm 2016 và 6,2% năm 2017. Năm 2015, GDP Philippines tăng trưởng 5,8%.
Tháng trước, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines (PIDS) đã khuyến nghị chính phủ nước này xem xét việc áp thuế suất 35% đối với gạo nhập khẩu sau khi hạn chế định lượng (QR) của WTO đối với nhập khẩu gạo hết hạn vào tháng 7/2017.
QR cho phép chính phủ nhập khẩu một lượng gạo nhất định với thuế suất thấp hơn và lượng gạo nhập khẩu vượt QR sẽ phải chịu thuế suất cao hơn. Năm 2015, WTO cho phép Philippines gia hạn QR đến năm 2017. Theo chính sách QR mới, Philippines có thể nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo khối lượng Tiếp cận Tối thiểu (MAV) với thuế suất 35%. Lượng gạo nhập khẩu vượt định mức trên sẽ chịu thuế suất 50%.
Nhật Trường