Chủ Nhật | 08/04/2012 16:02

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô trong tuần

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty lớn. Bộ Tài chính có thể đề xuất miễn giảm thuế để cứu doanh nghiệp.
Sai phạm hàng nghìn tỷ đồng tại các Tập đoàn

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quý I năm nay đã tiến hành thanh tra nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn và phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý hơn 10.000 tỷ đồng tiền sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà. Tập đoàn này đã để các đơn vị thành viên đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ nhưng không thu được hiệu quả, ký kết thực hiện dự án không đúng thẩm quyền.

Thanh tra cũng kết luận Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng hơn 15.000 tỷ đồng chưa đúng với quy định. Việc đầu tư tài chính của tập đoàn này vào các công ty liên kết cũng như một số ngành như tài chính, bảo hiểm, bất động sản không thu được hiệu quả.

Lo ngại về số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, quý I, cả nước có gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2011 đã có hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản.

Theo các Hiệp hội, nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp bên bờ phá sản là do nguồn vốn tích lũy kém, chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, do vậy, khi ngân hàng siết chặt tín dụng thì các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính cân nhắc miễn giảm thuế cứu doanh nghiệp

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được các Bộ đặc biệt quan tâm, khi mà kinh tế cũng như sản xuất công nghiệp (IIP) tăng chậm nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong quý I đã lên tới gần 12.000.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có thể đề xuất Chính phủ trình Quốc hội việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Bộ giao thông vận tải chốt các mức phí bảo trì đường bộ

Theo bản dự thảo đã được Bộ Giao thông vận tải chuyển sang Bộ Tài chính, mức thu phí bảo trì cơ bản được chia theo 8 nhóm ô tô và 4 nhóm xe máy.

Đối với ô tô, mức thu áp dụng từ 180.000 đồng đến 1.044.000 đồng/tháng/xe, tương ứng với 8 nhóm. Với xe máy, mức thu được chia thành 4 nhóm, từ 80 - 180 nghìn đồng/năm.

Theo tính toán của Bộ, dự kiến trong năm đầu quỹ Bảo trì đi vào hoạt động, số tiền thu được từ ô tô đạt hơn 6.800 tỷ đồng/năm và 2.400 tỷ đồng từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký. Ngoài ra, hàng năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho quỹ hơn 3.200 tỷ đồng.

Vinashin thoát án kiện của chủ nợ nước ngoài

Quỹ đầu tư Elliott từ bỏ vụ kiện Vinashin sau khi đâm đơn kiện tập đoàn này lên tòa án Anh vào tháng 2/2011 để đòi 1 phần khoản nợ trị giá 600 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân khiến quỹ này từ bỏ vụ kiện là do có một tập đoàn đa ngành trong nước có tiềm lực tài chính mạnh, hiện có trong tay hàng trăm triệu USD và có quan hệ rộng với giới tài chính quốc tế đã sẵn sàng mua lại khoản nợ này.

Bộ Công thương nhận định CPI tháng 4 sẽ không tăng đột biến

Kinh tế đầu tư

Theo bản báo cáo của Grant Thornton, niềm tin doanh nghiệp toàn cầu tăng trong quý I/2012, tuy nhiên tại Việt Nam, niềm tin doanh nghiệp giảm mạnh bất chấp tình hình vĩ mô chuyển biến tích cực.

Financial Times đánh giá, việc Việt Nam chỉ tăng trưởng 4% trong quý I, mức thấp nhất trong 3 năm đã khiến một số nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về triển vọng GDP trong thời gian tới. Sự lo ngại được đẩy lên thêm một mức khi các nền kinh tế khác trong khu vực đang tăng trưởng khá tích cực.

Một tập đoàn Nhật Bản tiếp tục chi hàng tỷ yên để mua lại cổ phần của một công ty thực phẩm Việt Nam.

Doanh nghiệp Pháp quan tâm dự án tàu điện ngầm TPHCM. Hiện thành phố có một số gói thầu mà doanh nghiệp Pháp có thể tham gia, là tuyến metro số 2 chuẩn bị mời thầu xây dựng đường hầm 9,5 km và 9 nhà ga cùng 1 đoạn trên cao. Gói thầu này trị giá khoảng 400 triệu USD.

Ngày 7/4, Bến Tre tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Tại hội nghị, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn 50 triệu USD. Ngoài ra, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 5 dự án với số vốn 1.284 tỷ đồng và 2 triệu USD.

Bình Thuận đang có chính sách ưu tiên nhắm vào những dự án lớn, tổ hợp du lịch-dịch vụ nhằm chuyển hướng đầu tư cho mảng du lịch từ chiều rộng, chỉ dồn vào hệ thống cơ sở lưu trú, sang chiều sâu với nhiều dịch vụ giải trí, thể thao...

Nguồn DVT


Sự kiện