Chủ Nhật | 29/07/2012 17:27

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

CPI giảm 2 tháng liên tiếp, thu hút FDI tiếp tục giảm và nhập siêu 7 tháng đầu năm ở mức thấp là những thông tin nổi bật tuần qua.
CPI cả nước giảm 2 tháng liên tiếp

Tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,29%, sau khi đã giảm 0,26% trong tháng 6. Đây cũng là mức thấp nhất của CPI kể từ tháng 11/2008. Tính từ đầu năm, CPI cả nước mới tăng 2,22%

Nguyên nhân chính khiến CPI giảm trong tháng này là sự giảm giá của nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, bưu chính viễn thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức giảm so tháng 6 lần lượt là  0,93%; 2,71%; 0,08% và 0,47%.

Theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội Quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu nhu cầu trong nước tiếp tục giảm và vẫn thiếu các yếu tố nội lực khiến CPI tăng (vốn, sức mua của người dân) thì khả năng CPI tháng 8 sẽ tiếp tục âm. Như vậy, sẽ xảy ra trưởng hợp CPI giảm ba tháng liên tiếp và là dấu hiệu của việc giảm phát.

Cả nước có thể xuất siêu tháng thứ 4 từ đầu năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7 cả nước ước xuất siêu 100 triệu USD, sau khi xuất siêu 360 triệu USD trong tháng 6. Như vậy, trong 7 tháng qua, đây có thể là tháng thứ 4 cả nước xuất siêu.

Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm, cả nước vẫn nhập siêu ước khoảng 60 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu và thấp hơn rất nhiều mức nhập siêu cùng kỳ năm trước là 6,64 tỷ USD.

Trong tuần, Thủ tướng cũng phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, phấn đấu xuất khẩu tăng trưởng 11 - 12%/năm và nhập khẩu tăng 10 - 11%/năm.

Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm dần hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Phấn đấu cán cân thương mại thặng dư thời kỳ 2021 - 2030.

7 tháng đầu năm thu hút hơn 8 tỷ USD vốn FDI

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và tăng thêm đạt 8,03 tỷ USD, giảm 33,1% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, số dự án mới giảm 44,1%, còn số dự án tăng vốn lại tăng 5,2%.

Bên cạnh đó, tổng vốn FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6,25 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Cũng liên quan đến dòng vốn FDI, báo cáo "Giám sát hội nhập kinh tế châu Á" vừa được ADB công bố trong tuần đánh giá, thời gian tới sẽ có dòng vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam.

Xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước tình hình chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng 46% cùng kỳ, sức mua trong nước 6 tháng giảm 3,1%, chỉ số tồn kho đến 1/6 tăng 26% so với cùng thời điểm 2011..., Bộ Công thương đã tiến hành hội thảo với các doanh nghiệp để lấy ý kiến về đề án Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đề án này, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ các biện pháp giảm lượng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, hạn chế tình trạng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoặc phá sản.

Nợ công Việt Nam có thể giảm dần sau 2020
Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, bảo đảm nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP và sẽ giảm dần về dưới 60% GDP đến năm 2030.

Về nghĩa vụ trả nợ, giai đoạn từ nay đến 2020, đảm bảo số vốn để trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm, tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%...

Theo Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2010, nợ công của Việt Nam chiếm 56,7% GDP.

Nguồn Khampha/Tổng hợp


Sự kiện