Chủ Nhật | 05/08/2012 17:47

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 trong năm, các tổ chức nước ngoài tiếp tục lo ngại về kinh tế Việt Nam, Chính phủ xem xét gia hạn nộp thuế VAT...
Sẽ tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung về luật thuế thu nhập cá nhân, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2013.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, với mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất này, sẽ có 70% ng nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương hiện nay sẽ không phải nộp thuế. Số thuế giảm so với chính sách hiện hành năm 2013 là 5.200 tỷ, năm 2014 là 13.350 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong lần điều chỉnh này sẽ bổ sung, sửa đổi quy định mở là khi giá cả biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp.

Giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít

Lần thứ 4 kể từ đầu năm, giá xăng dầu trong nước lại tăng với. Cụ thể, Petrolimex - chiếm 60% thị phần tăng giá từ 500 - 900 đồng/lít xăng dầu. Trong khi đó, SaigonPetro tăng giá thêm 400 - 900 đồng/lít.

Đặc biệt, thời điểm tăng giá của các công ty là khác nhau, khi SaigonPetro áp dụng mức giá mới trước Petrolimex 1 giờ đồng hồ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, hiện giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên doanh nghiệp chỉ được phép định giá trong biên độ 7%, biến động cao hơn thì Nhà nước sẽ trực tiếp can thiệp. Thời điểm tăng do doanh nghiệp tự quyết định.

Ủy ban Kinh tế đánh giá nợ công đã vượt ngưỡng an toàn

Theo bản nghiên cứu “Nợ công Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 58,7% GDP.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách mà là những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả.

Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư và DNNN không được chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Ngoài ra, nợ trong nước của khu vực DNNN theo ghi nhận trong đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP.

Báo cáo nhận xét: “Tính đến các con số này thì nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF”.
Tổ chức nước ngoài tiếp tục lo ngại về kinh tế Việt Nam

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do HSBC công bố đã giảm từ 46,6 điểm trong tháng 6 xuống 43,6 điểm trong tháng 7. Như vậy, chỉ số PMI đã dưới mức trung bình 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp (biểu thị một xu hướng giảm) và tháng 7 là tháng có chỉ số thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011.

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC, sự suy giảm mạnh hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu nội địa ở Việt Nam vẫn còn yếu khi mà người tiêu dùng còn chưa sẵn lòng chi tiêu và môi trường tín dụng vẫn khó khăn.

Bên cạnh đó, HSBC cũng hạ  dự báo về tăng trưởng xuất khẩu xuống 13,7% từ mức 16,6% cho năm 2012 và tăng trưởng nhập khẩu xuống 6,5% từ mức 12,3% trước đó. Thâm hụt thương mại trong năm nay dự đoán sẽ là 3,5 tỷ USD, giảm so với mức dự đoán 6,4 tỷ USD trước đó.

Điều này cho thấy mặc dù Chính phủ đang tăng cường các biện pháp nới lỏng để kích thích tiêu dùng cho đến hết năm 2012, nhu cầu sẽ chỉ được cải thiện dần dần trong thời gian tới.

Cùng với HSBC, ANZ cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro đối với dự báo tăng trưởng 5,5% cho năm 2012 của Việt Nam, bắt nguồn từ những bất lợi của môi trường phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tốc độ mở rộng tín dụng nội địa chậm hơn dự đoán (đến 25/7, tín dụng mới chỉ tăng 0,57% - theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước).

Đề xuất gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng

Theo Nghị quyết Chính phủ ban hành ngày 3/8, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục gia nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 3 tháng. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ đang được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế VAT của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012.

Trước đó, ngày 1/8, Chính phủ cũng ban hành nghị định giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân; miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân phải chịu thuế ở bậc 1.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2012.

Nguồn Khampha/Tổng hợp


Sự kiện