Chủ Nhật | 09/09/2012 19:09

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Theo HSBC, kinh tế có thể dần hồi phục vào quý IV. Năm 2013, Chính phủ dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, cao hơn thực hiện 2011.
Năm 2013 dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, lạm phát 6-7%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ hai phương án để xây dựng Kế hoạch kinh tế năm 2013. Trong đó, kế hoạch GDP mục tiêu tăng ở mức 5,5 - 6 hoặc 6 - 6,5%. Chỉ tiêu lạm phát bằng, hoặc thấp hơn năm 2012 (khoảng 7 - 8%).

Sau khi bàn luận, theo người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, lạm phát thấp hơn 7%.

Về năm 2011, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, dự kiến tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 6% và lạm phát khoảng 7%.

Liên quan đến vấn đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2013, tín dụng của nền kinh tế sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2012.

Ủy ban cho rằng, trong năm 2013, nhu cầu đầu tư sẽ khởi sắc hơn và sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự hồi phục của lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngược lại, xuất khẩu năm 2013, khó có thể cao hơn nhiều so với năm 2012 về cả lượng lẫn giá.

Ủy ban dự báo năm 2013, lạm phát sẽ chịu tác động ở nhiều nhân tố bất định và vẫn là một thách thức lớn nhất cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lên cao nhất 3 tháng
Theo công bố của ngân hàng HSBC (Việt Nam) cùng với công ty Markit Economics, tháng 8, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam đạt 47,9 điểm, tăng từ 43,6 điểm trong tháng 7. Đây là mức cao nhất của chỉ số này trong 3 tháng gần đây.

Một số tín hiệu tích cực về hoạt động sản xuất đã xuất hiện trong tháng 8 như sản lượng sản xuất tiếp tục giảm trong nhưng với tốc độ thấp nhất trong 4 tháng, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm chậm hơn so với tốc độ giảm của đơn đặt hàng nói chung, hoạt động mua hàng...

Chuyên gia của ngân hàng HSBC đánh giá, tốc độ xấu đi của ngành sản xuất đã chậm lại cho thấy các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần hồi phục vào quý IV.

Nợ công Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới

Theo số liệu của đồng hồ nợ toàn cầu Economist, vào cuối giờ chiều ngày 4/9, nợ công của Việt Nam là hơn 67,6 tỷ USD, tương đương 50% GDP.

Trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh nợ công khoảng gần 757 USD, mức trung bình so với các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam lại xếp hàng cao nhất trong châu Á, chỉ đứng sau Malaysia.

Dự báo, đến năm 2013, nợ công của Việt Nam sẽ vượt 75,6 tỷ USD, nợ công trên đầu người sẽ lên 840 USD. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công trên GDP có thể giảm xuống 48,7%.

Trước đó, theo chiến lược nợ công và nợ nước ngoài được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến 2030, nợ công cả nước không vượt quá 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chứng khoán

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan phải có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, đưa thị trường trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Một số giải pháp được người phát ngôn của Chính phủ nêu ra như việc cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục hành chính, chính sách thuế, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật...

Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, Bộ cũng đa triển khai một số giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển như chỉ đạo đẩy nhanh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có tái cấu trúc công ty chứng khoán; triển khai giải pháp làm tăng tính thanh khoản của thị trường như đưa vào hoạt động thị trường tín phiếu kho bạc, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+4 xuống T+3...

Ban hành thông tư miễn thuế thu nhập cá nhân bậc I

Theo Thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành, từ ngày 1/7 đến 31/12/2012, các cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương và kinh doanh thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng/tháng (thuộc bậc I) được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Trong 6 tháng cuối năm, các tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công hằng tháng vẫn phải kê khai thuế nhưng tạm thời không tính thuế, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân này còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Các cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có thu nhập tính thuế cả năm nhỏ hơn hoặc bằng 60 triệu đồng/năm thì được miễn toàn bộ số thuế phải nộp trong sáu tháng cuối năm 2012.

Việt Nam xếp thứ 75 về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 - 2013 vừa được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố theo đó, Việt Nam tụt 10 bậc so với năm 2011, xuống thứ 75 trong số 144 nền kinh tế.

Kể từ năm 2010, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tụt 16 bậc và hiện xếp thấp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á theo khảo sát của WEF.

Trong 12 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, Việt Nam tụt hạng về 9 tiêu chí như môi trường kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, chất lượng đường xá, cầu cảng.

Về điểm mạnh của Việt Nam, thị trường lao động được đánh giá khá hiệu quả, quy mô thị trường lớn.

Nguồn Khampha


Sự kiện