Chủ Nhật | 16/09/2012 18:38

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

GDP 9 tháng dự báo tăng 4,8-4,9%, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 nhưng cao hơn mức tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2009 - năm có suy giảm kinh tế.
Giá xăng dầu giữ nguyên, giảm thuế và xả quỹ bình ổn

Cuối tuần trước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đề xuất lên liên bộ Tài chính - Công thương cho tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng 1.300 đồng/lít.

Nếu đề xuất này được cho phép, giá xăng dầu sẽ vượt 24.000 đồng/lít và lên cao nhất từ trước tới nay. Trước đó, giá xăng dầu tăng liên tục 3 lần trong tháng 8.

Với tình này hình,  Liên Bộ Tài chính - Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu và sử dụng thuế và quỹ bình ổn để tránh cho doanh nghiệp bị lỗ lớn.

Cụ thể, với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu giữ nguyên 12% và mức sử dụng quỹ bình ổn vẫn là 500 đồng/lít. Với dầu, thuế nhập khẩu giảm 2%, mức sử dụng quỹ bình ổn tăng thêm 200 đồng/lít, kg lên 500 đồng/lit, kg.

GDP 9 tháng dự kiến tăng 4,8 - 4,9%

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, GDP tuy tăng ở mức thấp nhưng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, dự kiến quý III tăng 5,5 - 5,6%. 9 tháng, GDP cả nước dự kiến tăng khoảng 4,8 - 4,9%.

Bộ Tài chính đánh giá, mức tăng trưởng dự báo này khá thấp so với con số 5,76% của 9 tháng năm 2011; mức 6,54% của 9 tháng năm 2010 và 6,52% của 3 quý đầu năm 2008.

Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,62% của 9 tháng đầu năm 2009 - năm có suy giảm kinh tế và cũng là năm nền kinh tế có diễn biến khá tương đồng năm 2012.

Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở 6-6,5%, nhưng tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 8, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, mục tiêu này khó đạt được mà chỉ có thể tăng khoảng 5,5%. Sang năm 2013, Chính phủ chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế 6%.

Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong 2013

Theo Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, năm 2013 sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Chính phủ định hướng một số chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của 2013 là: tăng trưởng GDP khoảng 6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10 - 12%; tỷ lệ nhập siêu ở 8 - 10% so với kim ngạch xuất khẩu.

CPI tăng không quá 7%; tỷ lệ bội chi ngân sách là 4,8% GDP - tương đương kế hoạch 2012. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 34,5% GDP.

Chính phủ vẫn trình phương án thu nhập trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tuần qua, Chính phủ vẫn đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng mỗi tháng hiện nay lên 9 và và 3,6 triệu đồng.

Bộ dự kiến với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này (có hiệu lực từ 1/7/2013) thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp tục giữ quan điểm cho rằng đề xuất khởi điểm chịu thuế của Chính phủ là quá cao, không phù hợp với quan điểm động viên, điều tiết thu nhập của các cá nhân.

Trước đó, Ủy ban cho rằng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân ở 7 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 2,8 triệu đồng/tháng là hợp lý.

Kiểm toán thêm 6 tập đoàn trong năm 2013

Theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, năm 2013 dự kiến làm việc tại 29 đầu mối, trong đó có 8 tập đoàn (tăng 6 tập đoàn so với năm nay) và sẽ có cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012.

Trong đó, sẽ kiểm toán một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn dầu khí (PVN), Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex).

Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, cơ quan thẩm tra của Quốc hội yêu cầu tập trung đánh giá tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập... Danh sách các đơn vị được kiểm toán năm tới bao gồm NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Nguồn Khampha


Sự kiện