Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua
Theo báo cáo của HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 9/2012 đạt 49,2 điểm, tăng so với tháng trước những vẫn cao trong 5 tháng gần đây.
Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở dưới 50 điểm, cho thấy các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục xấu đi trong tháng 9, dù mức giảm sút khá nhẹ.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp, số lượng đơn đặt hàng mới tại các nhà máy sản xuất hàng hóa Việt Nam sụt giảm. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã thấp hơn so với các tháng trước đó.
Chuyên gia HSBC cho rằng, sự ổn định của hoạt động sản xuất là một bước phát triển tích cực, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong quý IV. Với tỷ lệ lạm phát tăng đáng kể, như được thể hiện ở mức tăng giá cả đầu vào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ lãi suất ổn định đến hết năm.
HSBC, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 5,1%, từ mức 5,7% đưa ra hồi đầu năm.
HSBC Việt Nam trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 cũng hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 5%, từ mức 5,1% đưa ra hồi tháng 5 và 5,7% đầu năm. Mức dự báo của HSBC cũng trùng với Dragon Capital.
Trong khi đó, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo tăng GDP cả năm khoảng 5,2%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể cả năm 2009 tăng 5,32%).
Bộ Công thương: Chưa tăng giá điện trong tháng 10
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định trong tháng 10 này chưa ctăng giá điện do chưa có số liệu tổng hợp giá thành sản xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Trước đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN tính toán giá thành để trình phương án điều chỉnh giá điện trước tháng 10/2012.
Gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng
Nghị quyết Chính phủ cho hay tiếp tục gia hạn 3 tháng với số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp của tháng 6/2012 của doanh nghiệp (từ tháng 1/2013 đến 4/2013), số thuế được gia hạn ước khoảng 3.745 tỷ đồng.
Trước đó, Chính phủ chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT cho doanh nghiệp thêm 6 tháng với số thuế phải nộp từ tháng 6/2012.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng lùi thời hạn áp dụng, góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát.
Tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 2,2% so với tháng 8 (mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2011). Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 5,13%.
Trong tháng 9, nhóm dịch vụ y tế có mức tăng tới 23,85% so với tháng 8 (cao nhất trong các nhóm hàng) do giá viện phí điều chỉnh tăng.
Sẽ giữ lại 7 Tập đoàn Nhà nước
Vừa qua, Chính phủ chấp thuận dừng thí điểm mô hình tập đoàn tại Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), đưa số tập đoàn kinh tế Nhà nước từ số 11 xuống 9 đơn vị.
Tuy nhiên, số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước tới đây sẽ giảm tiếp xuống 7, bởi có thể hai tập đoàn là Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sẽ rút khỏi danh sách này.
Như vậy, danh sách tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhiều khả năng sẽ bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG).
Bội chi ngân sách 9 tháng gần bằng 90% dự toán năm
Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 498.490 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011 và bằng 67,3% dự toán.
Chi ngân sách vẫn tăng khá mạnh so với tốc độ tăng thu ngân sách. Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 643.210 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Như vậy, 9 tháng đầu năm, bội chi ngân sách ở mức 122.320 tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, được bù đắp bằng những khoản vay trong và ngoài nước.
Nguồn Khampha