Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 là GDP tăng khoảng 5,5%, CPI tăng khoảng 7-8%, nhập siêu ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu, bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP và tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP.
Năm 2013 tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Lãi suất tín dụng sẽ được hạ phù hợp với mức giảm lạm phát, bảo đảm tăng dư nợ hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Báo cáo cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.
Báo cáo nhận xét tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng với những điểm sáng như lãi suất tín dụng giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, chỉ số tồn kho giảm dần…
Trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội quyết định trong kế hoạch năm 2012, có 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không chạm đích gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. 10 chỉ tiêu còn lại đều có triển vọng đạt và vượt kế hoạch.
Thêm nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam 2012
Trong báo cáo mới cập nhật, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 từ 5,7% xuống 5,2%. WB cũng dự báo, tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam đạt khoảng 5,7%.
WB nhận định, do Việt Nam tập trung kiềm chế lạm phát trong năm ngoái và nửa đầu năm nay nên tăng trưởng đầu tư chững lại. Xu hướng này có thể được cải thiện vào nửa cuối năm nay khi điều hành chính sách của Việt Nam trở nên dễ thích ứng hơn.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 là 5,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 2011. Sang năm 2013, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng 5,9% và phục hồi về mức 7,5% vào năm 2017.
Theo IMF, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác trong ASEAN, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng phần lớn do nhu cầu tiêu thụ bên ngoài yếu đi.
Bên cạnh đó, bộ phận dự báo, phân tích, tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2012 chỉ đạt 5,3%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 5,9% của năm 2011.
EIU cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 từ 6,6% xuống còn 6% nhưng cho rằng GDP giai đoạn 2014 - 2016 tăng bình quân 7%/năm.
Trước đó, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 từ 5,7% xuống 5,1%. HSBC cũng hạ mức dự báo này từ 5,1% xuống 5%.
Chỉ số niềm tin kinh doanh doanh nghiệp giảm trở lại
Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2012 giảm 13 điểm so quý trước, sau khi đã tăng 7 điểm vào quý II. Trước đó, theo kết quả khảo sát quý II, chỉ số BCI của doanh nghiệp Việt Nam tăng 7 điểm so với quý I/2012. Trong quý I/2012, chỉ số BCI đã giảm 3 điểm so với quý IV/2011.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có khoảng 28% doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước trong khi 37% doanh nghiệp cho rằng điều kiện kinh tế kém hơn so với 12 tháng trước.
Các doanh nghiệp cũng cho biết sản xuất kinh doanh không hiệu quả và sản phẩm làm ra không bán được là nguyên nhân chủ yếu khiến các ngân hàng còn e ngại trong việc xét duyệt cấp vốn cho doanh nghiệp.
Bội chi ngân sách 9 tháng vượt dự toán cả năm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 498.490 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng nhanh hơn số thu, ước đạt 643.210 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Thu ngân sách tăng thấp chủ yếu do kinh tế khó khăn, hoạt động trầm lắng của thị trường tài chính và bất động sản, kết hợp với việc phải thực hiện các giải pháp ưu đãi thuế. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và chi cải cách tiền lương tiếp tục tăng.
Tính ra, bội chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 144.720 tỷ đồng, vượt con số 140.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua trong năm tài khóa 2012.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong cuộc họp báo quý III của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang trong quá trình soạn thảo để xem xét mức thuế nào phù hợp, nhưng chắc chắn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm so với mức 25% hiện nay.
Vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam đã khai mạc hôm 8/10 tại Hà Nội.
FTA giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng không chỉ giúp dỡ bỏ 90% dòng thuế đối với hàng hoá Việt Nam vào EU mà còn có thể tăng nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Âu cho biết, FTA này không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với các nước khác đang xuất khẩu vào châu Âu mà ngay cả một số thành viên mới của EU vốn có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá của Việt Nam, như giày dép và dệt may.
Kiểm toán tất cả tập đoàn, ngân hàng trong năm 2013
Theo dự kiến, năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ giảm đầu mối kiểm toán so với năm 2012 nhưng chú trọng kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ cho quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công.
Tập trung kiểm toán các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2013. Theo đó, ngoài hai phương án được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến trước đó (mức 2,5 triệu đồng và 2,7 triệu đồng/tháng), còn có phương án 2,4 triệu đồng/tháng.
Đây là mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 và thời điểm áp dụng được đề xuất từ ngày 1/1/2013.
Chưa điều chỉnh giá xăng dầu
Theo Bộ Tài chính ngày 9/10, giá xăng bán lẻ vẫn đang thấp hơn giá cơ sở 733 đồng/lít; giá dầu điêzen 0,05 S chênh 710 đồng/lít; mặt hàng dầu hỏa là 817 đồng/lít.
Nếu không sử dụng công cụ bình ổn thì giá xăng phải tăng chứ không thể giảm. Để bù đắp, liên Bộ Tài chính – Công Thương vẫn cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít,kg như hiện nay; phần còn lại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng có ý kiến về điều hành giá xăng dầu, theo đó yêu cầu Bộ Tài chính rút ngắn thời gian có ý kiến đối với đề nghị điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, ngăn chặn việc lợi dụng để đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, điều chỉnh quy định về hoa hồng đại lý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng (xăng, dầu, điện, than, một số dịch vụ công..,,) trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013 để chủ động trong thực hiện.
Nguồn Khampha