Chủ Nhật | 28/10/2012 14:48

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 10 và đánh giá của Quốc hội về tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay là những thông tin nổi bật tuần qua.
Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 10

CPI tháng 10 tăng 0,85% so với tháng 9 và tăng 6,02% so với tháng 12/2011. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo giãn thời gian điều chỉnh giá các dịch vụ liên quan đến y tế.

Cả nước ước nhập siêu 500 triệu USD, đưa mức nhập siêu từ đầu năm đến nay lên 357 triệu USD, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI là nhân tố chức khiến nhập siêu ở mức thấp khi xuất siêu tới gần 9,4 tỷ USD trong 10 tháng.

Vốn FDI đăng ký và cấp mới 10 tháng đạt gần 10,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI giảm 1%, đạt 9 tỷ USD trong 10 tháng. Bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút vốn FDI.

Bội chi ngân sách đến 15/10 vượt hơn 10% dự toán. Thu ngân sách đến giữa tháng 10 mới chỉ đạt 70,7% dự toán do các chính sách miễn, giãn, giảm thuế khiến thu nội địa khó khăn.

Chỉ số tồn kho tiếp tục giảm. Tại 1/10, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng thời điểm năm trước. Tính từ mức 34,9% tại 1/3/2012, mức tăng của chỉ số tồn kho liên tục giảm đến nay.

Quốc hội đánh giá về tình hình kinh tế

Sáng 22/10, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ - mục tiêu kinh tế xã hội 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, 9 tháng đầu năm, với có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Năm 2012, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 5,2%, lạm phát ở 8%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 5,2% cũng là khó khăn khi mà GDP quý IV phải tăng tới 6,5%. Năm 2013, Chính phủ trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, lạm phát 8%.

Trong báo cáo thẩm tra, một số ý kiến của Ủy ban kinh tế cho rằng Chính phủ đánh giá chưa đúng tình hình, số liệu còn vênh cho với thực tế, chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Trong 15 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch và đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh sự bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt, tồn kho và nợ xấu đang làm tắc nghẽn chu chuyển nguồn lực quốc gia và yêu cầu từ nay đến trước Tết Âm lịch phải gỡ nút thắt này.

Về vấn đề tái cơ cấu, đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm giải quyết “tái cơ đầu tư, ngân hàng, và đặc biệt tái cơ cấu giải quyết nợ xấu”.

Chưa điều chỉnh giá xăng dầu

Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp đầu mối yêu cầu tiếp tục giữ ổn định giá bán lẻ. Theo Bộ Tài chính, loại trừ khoản 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và bù thêm từ quỹ bình ổn 500 đồng/lít thì tới ngày 21/10, dầu madut lãi 664 đồng/kg, diezen lãi 220 đồng/lít, xăng A92 lãi 92 đồng/lít, dầu hỏa lãi 75 đồng/lít.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức sử dụng Quỹ bình ổn đối với dầu madut từ 500 đồng/kg hiện hành xuống còn 200 đồng/kg. Ba mặt hàng xăng dầu còn lại vẫn tiếp tục được bù 500 đồng/lít .

WB: Việt Nam tụt hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh

Theo báo cáo của ngân hàng Thế giới (WB) về mức độ thuận lợi kinh doanh ở 185 nền kinh tế trên thế giới., Việt Nam tụt từ hạng 98 xuống 99.

Các lĩnh vực có chỉ số đánh giá thấp là thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản.
Đề xuất thu nhập 9 triệu đồng chưa phải nộp thuế

Theo tờ trình luật Sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập cá nhâ, mức khởi điểm chịu thuế được Chính phủ đề xuất tăng từ 4 lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng, thời điểm áp dụng có thể từ 1/7/2013.

Dù tán thành đề xuất của Chính phủ, nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo, nếu được thông qua, sẽ chỉ còn 1 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Chính phủ muốn giãn tiến độ tăng lương

Theo báo cáo về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, nếu thực hiện đúng lộ trình từ 1/5/2013 tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, ngân sách nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng.

Song, hiện nay theo cân đối, ngân sách chỉ bố trí đủ để tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng như đã tăng từ 1/5/2012. Do vậy, tới kỳ họp tháng 5/2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013.

Tuy nhiên, bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất chưa thực hiện lộ trình tăng lương do ngân sách nhà nước chưa bố trí được, chứ không phải là không tăng lương.

Đề xuất giãn lộ trình tăng lương chỉ đối với khu vực hành chính sự nghiệp, do ngân sách chi trực tiếp. Tăng lương khu vực doanh nghiệp vẫn theo lộ trình.

Nguồn Khampha


Sự kiện