Chủ Nhật | 18/11/2012 16:07

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Ban hành nghị quyết về chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước, Quốc hội thông qua nghị quyết ngân sách 2013, Thủ tướng trả lời chất vấn Quốc hội...
Ban hành nghị quyết về chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước
Chính phủ vừa ban hành nghị định phân công, phân cấp quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Theo Nghị định, Chính phủ trực tiếp thực hiện, hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Người đại diện thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và SCIC, Thủ tướng có quyền quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; Phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.

Quốc hội tiếp tục thảo luận sửa đổi Hiến pháp

Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo về: cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp; Phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; Cơ quan bảo vệ Hiến pháp; Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; Quy trình sửa đổi Hiến pháp….

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu nhất thế hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước; Đề nghị tăng quyền của Chủ tịch nước để kiểm soát quyền lực các cơ quan khác.

Đại biểu cũng kiến nghị bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội, đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương và trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện...

Các tập đoàn, tổng công ty nợ gần 1,3 triệu tỷ đồng

Tại văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, tính đến thời điểm 31/12/2011, văn bản trả lời chất vấn cho hay tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.

Đặc biệt, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có tỷ lệ trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 - 5 lần.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách 2013

Sáng nay 15/11, với 91,57% số đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu quan trọng về tổng số thu, chi cân đối ngân sách trung ương năm 2013.

Cụ thể: Tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 519.836 tỷ đồng; Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương).

Xuất siêu tháng thứ 5 liên tiếp

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hoá trong tháng 10 tiếp tục thặng dư 5 tháng liên tiếp với 156 triệu USD, đưa cán cân thương mại cả nước đến hết tháng 10/2012 thặng dư 64 triệu USD (10 tháng /2011 thâm hụt 8,92 tỷ USD).

Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng qua là 101,21 tỷ USD, tăng 29,9% và chiếm 54% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 51,95 tỷ USD, tăng 35,9% và nhập khẩu là 49,26 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội
Sáng 14/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ giải đáp thêm những câu hỏi liên quan tới việc điều hành kinh tế và các quyết sách của Chính phủ thời gian qua.

Trong phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tân Dũng đã nhận trách nhiệm về tất cả những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của Chính phủ trong điều hành trên tất cả lĩnh vực, trong đó có khuyết điểm trong giám sát, kiểm tra doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước.

Về việc có nghĩ đến văn hóa từ chức không, Thủ tướng cho rằng, sẽ hoàn toàn tuân theo quyết định của Đảng và Quốc hội.

Về vấn đề tái cơ cấu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ hiện đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, rà soát lại doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tín dụng...

Theo Thủ tướng, để tái cơ cấu thành công thì giải pháp có ý nghĩa quyết định, động lực bao trùm là phải thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm, chăm lo lợi ích của nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng nhìn chung đã có chuyển biến. Đồng thời, thừa nhận còn để xảy ra tình trạng diễn biến giá cả thất thường và việc điều hành còn nhiều bất cập.
World Bank: Lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tiến hành một cuộc khảo sát trên 350 công ty tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh lân cận.

Kết quả cho thấy hầu hết các công ty không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, đặc biệt là kỹ sư và kỹ thuật viên. Việc này thể hiện rõ nhất tại các công ty xuất khẩu và sáng tạo, vốn được kỳ vọng giúp Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế công nghiệp hóa tiên tiến.

Nielsen: Niềm tin tiêu dùng Việt Nam xuống thấp nhất từ 2009

Trong khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Nielsen, công ty hàng đầu thế giới chuyên đo lường và phân tích thông tin về hành vi người tiêu dùng xem và mua sắm, từ ngày 10/8 đến ngày 7/9/2012, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục giảm 8 điểm, xuống còn 87 điểm, trong quý III/2012. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2009.

Chỉ 40% người Việt Nam được phỏng vấn cho biết, họ cảm thấy triển vọng công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong năm tới, giảm 6% so với quý II/2012 và 18% tính từ đầu năm. Việt Nam, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan Nhật Bản là 5 quốc gia bi quan nhất khu vực về triển vọng việc làm trong quý III này.

42% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ tốt hoặc rất tốt trong 12 tháng tới, giảm từ 51% trong quý II/2012. Tâm lý thận trọng của người tiêu dùng tăng khi có đến 73% người được hỏi thừa nhận bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm.
Chính phủ báo cáo về điều hành giá điện, than và xăng dầu

Trong tháng 12/2012, Chính phủ sẽ sửa đổi quy định về yếu tố cấu thành giá xăng dầu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên trả lời chất vấn sáng 12/11.

Trong vấn đề điều hành cơ chế giá, Chính phủ báo cáo việc điều hành với giá điện, than và xăng dầu.

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến quản lý độc quyền, cạnh tranh trong lĩnh vực điện, xăng dầu và than. Trong lĩnh vực phát điện, hiện có sự tham gia của nhiều đơn vị, nhưng trong lĩnh vực phân phối, hiện Nhà nước vẫn nắm độc quyền khi mà các đơn vị thuộc EVN bán lẻ cho hơn 80% hộ sử dụng.

Nguồn Khampha


Sự kiện