Chủ Nhật | 09/12/2012 15:34

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, PMI ngành sản xuất vượt ngưỡng trung bình lần đầu trong 14 tháng...
Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới

Theo báo cáo Lương toàn cầu 2012/2013 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 7/12 tại Thụy Sỹ, Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới trong khi mức tăng trưởng lương trên toàn cầu tiếp tục chững lại, đặc biệt ở các nước phát triển.

Ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010. Ngay cả khi tính đến lạm phát vốn vẫn ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hằng năm.

Chuyên gia cao cấp về quan hệ lao động của ILO Việt Nam Yoon Youngmo cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang sử dụng lương tối thiểu như một công cụ chính sách để dần nâng mức sàn tiền lương trong những năm vừa qua (mỗi năm tăng hơn 20%).
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, ở kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 5,68%.

Năm 2013, theo PGS.TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc trung tâm, mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam vẫn là tiếp tục duy trì và giữ vững thành tích ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012. Do đó, Chính phủ vẫn kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ưu tiên ổn định vĩ mô, lạm phát được kiềm chế mức thấp hợp lý.

Việc giải quyết được nợ xấu ngân hàng (mà chủ yếu là khơi thông thị trường bất động sản) và thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên giải quyết được dứt điểm nợ xấu trong năm 2013 hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp trong ngắn hạn là khá khó khăn.

Việt Nam sắp lọt top 10 thế giới về năng lực cạnh tranh sản xuất

Báo cáo vừa công bố có tựa đề “Chỉ số cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2013” của công ty Deloitte Touche Tohmatsu (Anh) nhận định, Đông Nam Á sẽ là điểm sáng toàn cầu về năng lực cạnh tranh sản xuất. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam vẫn nằm trong top 20 thế giới về năng lực cạnh tranh sản xuất.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những trung tâm sản xuất quan trọng nhưng thực tế các nhà sản xuất bắt đầu chuyển trọng tâm hoạt động sang các thị trường nhỏ để tận dụng chuỗi cung ứng.

Cũng trong vòng 5 năm tới, Thái Lan có thể bị tụt hạng năng lực cạnh tranh sản xuất từ thứ 11 xuống thứ 15, trong khi Việt Nam có thể lọt vào top 10 từ vị trí 18 hiện tại.
Bội chi ngân sách 11 tháng bằng 95,7% dự toán năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức bội chi ngân sách nhà nước tính riêng trong tháng 11 ước 13.355 tỷ đồng, tính chung 11 tháng năm 2012 đạt 134.200 tỷ đồng, bằng 95,7% mức bội chi đã được Quốc hội quyết định.

Theo báo cáo trước đó từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/11, bội chi ngân sách Nhà nước ước đạt 153,8 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 9,7% so với kế hoạch bội chi cả năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt (140,2 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam mới công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, việc duy trì tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước ở mức 4,8% GDP sẽ cần những nỗ lực lớn trong việc tăng thu ngân sách vào những tháng cuối năm do hiện tại đã bội chi quá nhiều.

Số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến hết tháng 11/2012, đã thực hiện phát hành được hơn 130.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, bằng 185% số thực hiện năm 2011 và 92,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2012.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Mức lương tối thiểu sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2013 tới đây chia theo 4 vùng I, II, III, IV. Mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng nêu rõ, mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

WB dự báo Việt Nam năm 2013 tăng trưởng 5,5%

Theo báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của WB công bố tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012 (CG 2012) hôm 5/12, tổ chức này cho biết tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam đạt 5,2%, chỉ số giá tiêu dùng tính bình quân năm tăng 9,2%.

Năm 2013, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng tính bình quân năm tăng 8%.

Như vậy, WB lần thứ 3 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới. Trong báo cáo tháng 6, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng 6,3%, đến tháng 10, mức dự báo được hạ xuống 5,7%.

Đặc biệt, dự báo của WB trùng với mục tiêu kinh tế mà Quốc hội đã thông qua, đó là tăng trưởng kinh tế năm 2013 ở 5,5%, lạm phát thấp hơn năm 2012 (7 - 8%).

Xuất nhập khẩu 11 tháng đạt gần 208 tỷ USD

Theo Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11/2012 ước đạt 20,45 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng 10/2012. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng ước tính thâm hụt 50 triệu USD.

Ước tính đến hết tháng 11/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2012 ước đạt: 207,99 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại 11 tháng thặng dư là 100 triệu USD.

Một điểm đáng lưu ý trong cán cân thương mại 11 tháng được Tổng cục Hải quan nhấn mạnh là kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI. Tổng kim ngạch của xuất nhập khẩu của khối FDI ước đạt 120,58 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Ủy ban Giám sát Tài chính: Doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn

Theo báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11 và 11 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn.

Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với những tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở hai khâu chủ yếu là đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Ngoài những khó khăn đã biết ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do chi phí sản xuất đang tăng rất cao.

Bộ Công thương dự kiến trình lộ trình tăng giá điện trong tháng 12

Tại buổi họp báo chiều 3/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự kiến 2012 EVN chắc chắn sẽ có lãi, dự kiến bù lỗ vào các năm trước 3.500 - 4.000 tỷ đồng tùy thuộc vào vận hành của thủy điện. Dự kiến năm 2013 cũng sẽ có lãi để bù vào các năm còn lại.

Về lộ trình điều chỉnh giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, hiện Bộ Công thương và các Bộ ngành liên quan phối hợp rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện trong giai đoạn 2013 - 2015 trong tháng 12 này.

Theo báo cáo của EVN, năm 2011, theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng. Nếu tính đến thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, tiền lãi gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vạt tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện trong năm 2011 EVN còn lỗ 3.181 tỷ đồng.

Ủy ban Giám sát Tài chính: Kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy

Theo báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, nhưng đà phục hồi vẫn chưa rõ ràng.

Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, sự ổn định của tỷ giá hối đoái và tốc độ tăng xuất khẩu đạt mức cao hơn khá nhiều so với dự kiến (dự báo tăng khoảng 18% trong năm 2012 so với mục tiêu 12-13% trước đó) có lẽ là những điểm sáng đáng kể nhất trong bức tranh khá ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam năm 2012.

Báo cáo của cũng đưa ra nhận định, lạm phát trong năm nay tăng trong tầm kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 có tốc độ tăng 0,47% so với tháng 10, tăng 6,52% so với đầu năm và tăng 6,52% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, CPI lõi theo tháng trong 3 tháng gần đây đang được giữ ổn định ở mức khá tốt và dao động quanh 1%. Giả định, CPI tháng 12 tăng khoảng 1% so với tháng 11 thì lạm phát cả năm sẽ ở mức dưới 8%.

75 tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện đề án tái cơ cấu

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có 75 tập đoàn, tổng công ty đã triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó, có 52 tập đoàn do bộ, ngành trung ương quản lý và 23 tổng công ty địa phương.

Bộ Tài chính đã góp ý kiến xây dựng theo thẩm quyền 19 đề án.

HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lên cao nhất từ tháng 9/2011

Theo báo cáo mới công bố của HSBC, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam tăng lên 50,5 điểm trong tháng 11, từ mức 48,7 điểm trong tháng 10.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa vượt ngưỡng trung bình 50 điểm lần đầu tiên trong 14 tháng qua và đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Sự cải thiện các điều kiện hoạt động phản ánh sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11. Sản lượng tăng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 9/2011, từ đó kết thúc thời kỳ sụt giảm kéo dài suốt 7 tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể tăng lên trở lại vào tháng 11, giúp kết thúc thời kỳ sụt giảm kéo dài suốt 6 tháng. Mặc dù mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 khá nhỏ nhưng lại là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2011.

Nguồn Khampha


Sự kiện