Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa phê duyệt kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2013-2015 của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII.
Cụ thể, trong năm 2013, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2012. Cùng với đó, lồng ghép đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ thông qua sử dụng các công cụ và biện pháp của ngân hàng nhà nước.
Cơ quan kiểm toán sẽ tập trung đánh giá công cụ tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, hoạt động thị trường mở và thị trường liên ngân hàng, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Cũng trong 2013 sẽ diễn ra hoạt động kiểm toán chuyên đề chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo giai đoạn 2010-2012 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012.
Cục thuế TPHCM kiến nghị hạ chỉ tiêu ngân sách
Ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với TPHCM để rà soát số thu ngân sách trên địa bàn. Đến cuối tháng 11, số thu ngân sách tại TPHCM mới đạt hơn 85% dự toán pháp lệnh năm. Đến nay còn phải thu hơn 6.000 tỷ đồng nữa TPHCM mới đạt mục tiêu thu ngân sách 2012.
Tại buổi làm việc, Cục Thuế TPHCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem lại việc giao dự toán thu ngân sách 2013 vì khó có khả năng thực hiện.
Công bố Nghị quyết về bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm
Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Nghị quyết cũng quy định về mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp.”
Đối với Hội đồng Nhân dân, số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tùy theo từng cấp chính quyền tỉnh, xã, gồm: Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng Nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban Nhân dân.
Khống chế mức lương tối đa với viên chức quản lý từ 1/1/2013
Chính phủ vừa có báo cáo việc triển khai sửa đổi, bổ sung một số chính sách để sớm nhằm khắc phục bất hợp lý trong chính sách tiền lương hiện hành.
Một nội dung đáng chú ý là đổi mới cơ chế tiền lương đối với các loại hình doanh nghiệp sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2013. Cụ thể, đối với người lao động, doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương theo nguyên tắc chung do Nhà nước quy định, xác định tiền lương khuyến khích trả lương thỏa đáng với đối với người lao động có trình độ cao (không khống chế mức tối đa).
Với viên chức quản lý, Nhà nước quy định mức lương cơ bản, việc trả lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả điều hành doanh nghiệp, có khống chế mức tối đa. Trường hợp không có hiệu quả thì chỉ được hưởng mức lương theo chế độ (hệ số lương nhân với mức tối thiểu).
Xuất siêu 484 triệu USD trong 11 tháng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt gần 207,98 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Cán cân thương mại hàng hoá của cả nước đến hết tháng 11/2012 thặng dư 484 triệu USD. Tính riêng trong tháng 11, thăng dư thương mại đạt 395 triệu USD.
Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng qua vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể 54,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh hơn so với mức chung của cả nước.
Nhiều lĩnh vực kinh tế đang có độc quyền nhóm
Đó là một trong những phát hiện của Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế năm 2012 vừa được Cục Quản lý cạnh tranh công bố sáng 12/12.
Năm nay, 10 lĩnh vực được chọn để đánh giá bao gồm 5 lĩnh vực sản xuất là ô tô tải, kính xây dựng, bột giặt, giấy, dầu thực vật; 5 lĩnh vực dịch vụ là phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền.
Qua nghiên cứu, nhiều lĩnh vực đang có sự tập trung thị trường lớn. Cụ thể, trong 5 lĩnh vực sản xuất được nghiên cứu, ngoại trừ ngành giấy, 4 ngành ô tải, kính xây dựng, bột giặt và dầu thực chất đều tồn tại cấu trúc này. Ở 5 lĩnh vực dịch vụ được nghiên cứu, 2 lĩnh vực là bảo hiểm phi nhân thọ và truyền hình trả tiền có mức độ tập trung cao nhất.
Bộ Tài chính muốn sửa barem thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu
Bộ Tài chính dự kiến quy định barem thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu thay thế cho barem trước đó.
Mức barem thuế nhập khẩu ưu đãi được quy định căn cứ theo giá xăng, dầu (sản phẩm) không theo giá dầu thô; Bậc thuế trong barem tối đa 5 bậc bước giãn cách về giá giữa hai bậc thuế là 20 USD; Mức thuế tối thiểu trong barem là 7% và mức thuế tối đa là 40%.
Để thuận tiện trong thực hiện Bộ Tài chính căn cứ vào giá nhập khẩu bình quân 30 ngày theo công bố trên Tờ Platt’s Singapore của từng mặt hàng và lấy giá mặt hàng xăng R92 là giá cơ sở để xây dựng barem thuế mới và barem thuế đối với mặt hàng xăng sẽ áp dụng chung cho các loại xăng (R92, R95, R97 và xăng khác).
Về tần suất điều chỉnh thuế, thời gian giữa hai lần điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch.
Trình Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 23%
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Cụ thể, để thực hiện chiến lược cải cách thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế, mức thuế suất phổ thông sẽ được giảm từ 25% xuống còn 23%.
Đối với doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20%.
Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quí hiếm khác tại Việt Nam từ 32-50%.
Dự báo 55.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 2012
Theo phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương, đến hết ngày 31/12/2012 sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Trong đó, tính từ đầu năm tới hết ngày 30/11 đã có xấp xỉ 48.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, chủ yếu ở TPHCM (trên 15.000 doanh nghiệp) và Hà Nội (khoảng 11.000 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm nay vào khoảng 65.000 doanh nghiệp.
Quốc hội dành nửa ngày lấy phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo cao cấp Nhà nước
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sẽ bố trí nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2013.
Cụ thể, Quốc hội sẽ lấy phiếu đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao. Tổng cộng có 49 lãnh đạo cao nhất của Nhà nước được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu.
Đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN
Theo báo cáo "Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất thành lập Cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước thuộc Chính phủ.
Cơ quan này sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty TNHH một thành viên và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
CIEM cũng đề xuất thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động DNNN để thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Uỷ ban Quản lý, giám sát DNNN.
Doanh nghiệp nhà nước phải công khai lỗ, lãi, nợ
Ông Đặng Quyết Tiến - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết, từ năm 2013, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sẽ được minh bạch khi thực hiện nghị định về quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ sắp ban hành.
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước phải công bố tình hình tài chính như lỗ, lãi, nợ... trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thu hút vốn FDI 2012 dự kiến đạt 13 tỷ USD
Bên lề hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự kiến năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được đạt 13 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt 10,5 tỷ USD.
Như vậy, thu hút vốn FDI của năm 2012 ước không đạt chỉ tiêu mà Cục đầu tư nước ngoài đặt ra là sẽ thu hút được khoảng 15 - 16 tỷ USD và giải ngân khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Sang năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự kiến, tổng vốn FDI thu hút được là 14 - 15 tỷ USD, giải ngân 10 - 11 tỷ USD. Như vậy, năm sau, Việt Nam vẫn giữ nguyên mục tiêu thu hút và giải ngân vốn FDI như năm 2012 mặc dù không đạt chỉ tiêu trong năm nay.
Vốn ODA cam kết cho Việt Nam năm 2013 gần 6,5 tỷ USD
Theo thông tin từ hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012 tổ chức hôm nay (10/12), năm 2013, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam là 6,485 tỷ USD.
Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Trong năm tài chính 2013 tới, Nhật Bản có thể cấp khoản viện trợ trị giá 2,6 tỷ USD cho Việt Nam. Hàn Quốc cung cam kết tài trợ 1,2 tỷ USD.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng công bố năm tài chính 2013, các nước thuộc tổ chức này sẽ cung cấp khoảng 965 triệu USD cho Việt Nam, Pháp là nhà tài trợ lớn nhất trong khối này với gần 340 triệu USD.
Cảnh báo không có dự phòng cho chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Đại diện của IMF khuyến nghị, các cuộc cải cách doanh nghiệp Nhà nước thường đi kèm với nhiều khoản nợ dự phòng Chính phủ phải đứng ra gánh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua còn chậm, chức năng quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu Nhà nước chưa được phân định rõ.
Việc đầu tư ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính không có hiệu quả. Một số doanh nghiệp Nhà nước vi phạm các quy định về quản trị kinh doanh, gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước.
Lương tăng gấp ba lần năng suất lao động
Mới đây, Báo cáo Lương Toàn cầu 2012/2013 được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, nếu như tăng trưởng lương toàn cầu với tốc độ thấp hơn tăng năng suất lao động, thì tại Việt Nam hoàn toàn tương phản.
Theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, trái ngược với tình hình trên toàn cầu, ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010. Ngay cả khi lạm phát ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hàng năm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và thực tế ở Việt Nam lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất ba lần.
Nguồn Khampha