Chủ Nhật | 13/01/2013 16:03

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Chính phủ công bố 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 2013, đồng ý miễn giảm, gia hạn thuế, phí; Dự kiến nhập siêu 2013 gần 10 tỷ USD...
EVN sẽ vay nước ngoài hơn 2,5 tỷ USD trong 2013

Theo báo cáo kế hoạch năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),trong năm nay, tập đoàn phấn đấu hoàn thành thủ tục và đàm phán với các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài để ký kết vay được 2,58 tỷ USD, tăng 33% so với 2012, cho các dự án điện như nhiệt điện Mông Dương, nhiệt điện Ô môn III, Ô môn IV...

Trong nước, EVN mục tiêu ký hợp đồng vay vốn được khoảng 11.000 tỷ đồng với các tổ chức tín dụng. Phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn; giải ngân nhanh các nguồn vốn ODA đã có hiệu lực để có cơ sở thuyết phục vận động các khoản vay ODA mới.

Trước đó, trong năm 2012, toàn tập đoàn EVN đã ký được hợp đồng vay trên 13.000 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký trong năm 2012 đạt 1,93 tỷ USD.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện đang hoàn thiện thủ tục để phát hành tiếp 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong đầu năm 2013.

Trong năm 2012, Vinacomin đã hoàn thành thu xếp khoản vay tín dụng xuất khẩu 300 triệu USD do Ngân hàng Citibank và cơ quan bảo hiểm Nexi Nhật Bản tài trợ cho dự án bauxite nhôm Lâm Đồng; khoản vay tín dụng 200 triệu USD do SMBC thu xếp cho dự án thủy điện Đồng Nai 5; khoản vay 1.300 tỷ đồng với các ngân hàng Hàng Hải, VIB cho các dự án than; khoản vay 36 triệu USD của BTM cho dự án Amon Nitrat; khoảng vay 24 triệu USD khác cho các dự án than.

Giá bán điện bình quân 2013 sẽ tăng hơn 7%

Theo báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố chiều 11/1, năm 2013, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn đạt 1.459 đồng/kWh, tăng 7,2% so với năm 2012.

Trước đó, năm 2012, giá bán điện bình quân của EVN đạt 1.361 đồng/kWh, tăng hơn 35% so với năm 2011 và vượt 9% kế hoạch cả năm. Cũng trong năm này, doanh thu bán điện của EVN ước đạt 143.419 tỷ đồng. Năm 2012, tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận, giúp giảm lỗ lũy kế được 3.500 tỷ đồng.
Đã có dự thảo khung pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước

Dự thảo nghị định về tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được hoàn tất và trình lên Chính phủ
Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP vừa chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến các bên liên quan.

Nghị định mới sẽ giúp tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh được phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị định 101 trước đây.

Về điều kiện thành lập, dự thảo Nghị định quy định Nhà nước hạn chế thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Trong đó, đối tượng được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế là các tổng công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị, quản lý và phạm vi hoạt động.

Đồng thời, phải đáp ứng được các điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế: gồm các điều kiện về ngành, lĩnh vực kinh doanh; các điều kiện đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và các điều kiện về cơ cấu công ty con.

Việt Nam đối mặt với sức ép lạm phát do hạ lãi suất quá nhanh

Ngày 24/12/2012, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay lần thứ 6 trong năm, chỉ 2 tuần sau khi IMF khuyến cao nên giữ nguyên lãi suất điều hành. Lãi suất tái cấp vốn được hạ về 9% so với 15% hồi đầu năm, trong khi lãi suất chiết khấu và trần lãi suất huy động bằng tiền đồng cũng giảm.

Đại diện IMF tại Việt Nam, Sanjay Kalra, cho rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với sức ép lạm phát. IMF cho rằng, năm 2012, Việt Nam hạ lãi suất quá nhanh. Theo vị này, chính sách tiền tệ phải tập trung đảm bảo ổn định kinh tế trong năm 2012 và tiếp tục trong 2013. Ông cũng nhấn mạnh, xét về cân bằng rủi ro, việc hạ lãi suất muộn một chút sẽ tốt hơn hạ quá sớm.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng từng cảnh báo, Việt Nam nới lỏng chính sách quá sớm có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Chuyên gia Fitch: Lạm phát Việt Nam 2013 khoảng 9%

Theo ông Philip McNicholas, Giám đốc Bộ phận xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings, GDP Việt Nam năm 2013 sẽ tăng trưởng khoảng 5,5%, cao hơn so với mức khoảng 5% của năm 2012.

Kết quả của quá trình thắt chặt tài chính, tiền tệ thời gian qua đó là lạm phát của năm 2013 sẽ không tăng quá cao, không chạm đến mức hai con số. Lạm phát năm 2013 có thể sẽ cao hơn so với năm 2012 và theo ước đoán của tôi thì lạm phát cả năm trung bình vào khoảng 9%.

Dự kiến nhập siêu gần 10 tỷ USD trong năm 2013

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2013, để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội của cả nước, ngành công thương đặt mục tiêu giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,7% (năm 2012 tăng 4,52%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012. Như vậy, năm nay nhập siêu dự kiến 9,9 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%.

Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2013 ước đạt khoảng 2.742 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% từ 1/7

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Theo đó, Chính phủ gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và gia hạn 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (dưới 200 lao động và doanh thu dưới 20 tỷ đồng); Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến; Doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh nhà ở được gia hạn nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở.

Đồng thời, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ gồm: Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến; Doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng: Sắt, thép, xi măng, gạch, ngói.

Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ theo hướng: Đối với ô tô đăng ký lần đầu, mức thu chung là 10%, các địa phương điều chỉnh tăng không qua 50% quy định chung; đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi, mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ 1/7/2013 (sớm 6 tháng so với lộ trình) đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; áp thuế suất 10% từ 1/7/2013 đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội.

Đồng thời, xem xét giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.\

Chính phủ công bố 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2013

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2013, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6-6,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;...

Miễn, giảm, gia hạn hơn 26.000 tỷ đồng thuế trong năm 2012

Theo báo cáo của cơ quan thuế, đến hết năm 2012, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng gia hạn sang năm 2013.

Trong năm 2012, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp như giãn thuế giá trị gia tăng, giãn nợ thuế đối với doanh nghiệp, giãn tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Mặc dù vậy, tổng thu ngân sách năm nay thực hiện vẫn vượt kế hoạch theo dự toán của Quốc hội (ước vượt 0,14%) và tăng tăng 5,3% so với năm trước. Trong đó có một số khoản thu vượt khá, như thu từ dầu thô, thu thuế thu nhập cá nhân.

Số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ còn một nửa

Theo cuộc điều tra cơ sở kinh tế, hành chính và sự nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố hôm 4/1/2013, cả nước chỉ còn 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến ngày 1/1/2012.

Trong khi đó, trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, thì tính đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 624.000 doanh nghiệp đăng ký.

Như vậy, số doanh nghiệp còn hoạt động thực sự đã giảm tới một nửa (313.000) so với số doanh nghiệp đăng ký (624.000) tính đến thời điểm cách đây 1 năm, căn cứ theo báo cáo của hai cơ quan nhà nước có số liệu tốt nhất về doanh nghiệp.

Dự kiến tạo 1,6 triệu việc làm trong năm 2013

Tổng kết hoạt động năm 2012, sáng 7/1, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong năm qua, hơn 1,4 triệu lao động đã được giải quyết việc làm, đạt 95,36% kế hoạch đề ra. Trong đó, số việc làm tăng thêm hơn 1,3 triệu người, số việc làm thay thế 123,5 nghìn người.

Không chỉ lao động trong nước chưa đạt chỉ tiêu, xuất khẩu lao động năm 2012 cũng chỉ đạt 88,9% kế hoạch đặt ra. Trong năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 80.000 lao động, trong đó có 26.800 lao động nữ. Cụ thể, số lao động làm việc lớn nhất tại thị trường Đài Loan với hơn 30.000 người, thị trường Hàn Quốc đạt hơn 9.200 người, thị trường Nhật Bản đạt hơn 8.700 người...

Trong năm 2013, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, kế hoạch đề ra là tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó có 1,5 triệu lao động trong nước và 85.000 lao động xuất khẩu. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012.

Nguồn Khampha


Sự kiện