Chủ Nhật | 20/01/2013 17:15

Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua

Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam; Năm 2012 chính thức xuất siêu 780 triệu USD; CPI TPHCM tăng thấp trong tháng tết...
CPI TPHCM tháng 1 tăng 0,44%
Theo số liệu được Cục Thống kê TPHCM công bố chiều tối ngày 18/1, nguyên nhân đẩy CPI tăng trong tháng này là 8/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó tăng khá cao là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI.

Tính chung, CPI tháng 1/2013 tăng 0,44% so với cuối năm 2012. Đây là con số khá khiêm tốn so với quy luật thường thấy của CPI các tháng đầu năm Dương lịch, chỉ số giá thường tăng khá cao, trên 1% do tháng này thường rơi vào tháng cận Tết Nguyên đán.

Điều này cho thấy không khí mua sắm tết đến thời điểm này vẫn khá bình lặng, sức mua chưa tăng bao nhiêu do người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất xem lại cách tính thuế xăng dầu

Bộ Công thương vừa có ý kiến về phương án xây dựng barem thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính đã soạn thảo một barem thuế nhập khẩu xăng dầu mới theo hướng có 5 bậc thuế tương ứng với 5 khung giá xăng dầu thế giới thành phẩm tại Singapore. Bước giãn cách về giá giữa hai bậc thuế là 20 USD mỗi thùng. Thời gian điều chỉnh thuế giữa 2 lần liên tiếp là 10 ngày.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, Bộ Tài chính không nên đồng nhất bước giãn cách 20 USD mỗi thùng cho tất cả 4 mặt hàng xăng dầu, vì giá thế giới và đơn vị đo lượng, tính giá của từng mặt hàng là khác nhau.

Bộ Công thương cũng cho rằng thời gian điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu 10 ngày mỗi lần là "dày đặc" ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Khó tránh tăng giá điện trong 2013

Tại hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh điện, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, do nguồn cung điện miền Nam năm nay sẽ rất căng thẳng nên dự kiến EVN phải mua dầu phát điện cho miền Nam trong mùa khô. Với việc phát điện chạy dầu khoảng hơn 2 tỷ kWh điện cung cấp điện cho miền Nam, EVN sẽ lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng trong 2013.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng, trong năm 2013, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị tăng giá bán than cho ngành điện để bằng giá thành sản xuất than. Do vậy, tiền chênh lệch trả cho giá than của EVN trong năm 2013 tăng khoảng trên 6.000 tỷ đồng, năm 2014 sẽ tăng khoảng 16.000 tỷ đồng và năm 2015 sẽ tăng khoảng 21.000 tỷ đồng.

Như vậy, với các khoản lỗ cộng dồn các năm trước của EVN hiện còn lại khoảng 34.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ dần vào giá điện, cộng với những chi phí EVN cho rằng sẽ phát sinh trong năm 2013, thì giá điện tiếp tục tăng trong năm nay là điều khó tránh khỏi.

Năm 2013, ngành thuế sẽ thanh tra 8.747 doanh nghiệp

Tổng cục Thuế cho biết qua thanh, kiểm tra tại 97 tập đoàn, tổng công ty, ngành thuế đã kiến nghị xử lý truy thu và đôn đốc nợ đọng vào ngân sách nhà nước số tiền 2.207 tỷ đồng (trong đó số tiền thuế tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra là 861,7 tỷ đồng, đôn đốc thu số thuế nợ đọng là 1.345,7 tỷ đồng).

Riêng tại Tập đoàn Cao su và Tập đoàn Than - Khoáng sản, ngành thuế đã yêu cầu hai tập đoàn này tự điều chỉnh kê khai nộpngân sách nhà nước số tiền 725 tỷ đồng

Trong năm 2012, đã có 2.027 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết được thanh, kiểm tra, xử lý truy thu và phạt 683,5 tỷ đồng

Dự kiến trong năm 2013, toàn ngành thuế sẽ thực hiện thanh tra 8.747 doanh nghiệp, kiểm tra 63.239 doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và được ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế.

Nợ công Việt Nam trên 70 tỷ USD
Theo số liệu mới cập nhật mới nhất của đồng hồ nợ toàn cầu của Economist, nợ công của Việt Nam là gần 70,6 tỷ USD, tăng so với 67,6 tỷ USD đầu tháng 9/2012 và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với hơn 89 triệu dân thì hiện tại, ở Việt Nam, trung bình mỗi người dân đang gánh nợ công khoảng gần 789 USD. Tỷ lệ nợ công trên GDP là 49,5%.

Dự báo đến 2014, nợ công của Việt Nam lên 78,6 tỷ USD, trong khi tỷ lệ nợ trên GDP xuống còn 48,2%, nợ công trên đầu người khoảng 90,4 USD.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng dịp cuối năm

Tình trạng thất nghiệp tăng, việc làm thiếu được nhìn nhận khá rõ trong những tháng cuối năm nay. Nếu những năm trước, thị trường lao động cuối năm thường rất nhộn nhịp khi các doanh nghiệp bắt đầu chiến dịch tuyển công nhân, lao động phục vụ cho các đơn hàng Tết, thì thời điểm hiện tại, thị trường lao động gần như "đóng băng", bởi nhu cầu tuyển dụng không nhiều.

Đáng chú ý là nhu cầu tuyển lao động phổ thông năm nay giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp khó khăn, do đó nhiều công nhân phải nghỉ hay giãn việc. Những năm trước, vào dịp này 100% công nhân tại nhiều doanh nghiệp phải làm tăng ca, nhưng năm nay thì không.

Với sự khan hiếm việc làm vào dịp cuối năm, tình trạng thất nghiệp trong năm 2013 sẽ vẫn nặng nề.
Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt hạ chỉ tiêu kinh doanh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sáng 16/1, các tập đoàn, tổng công ty đều đã có những điều chỉnh thận trọng hơn về mặt kinh doanh trong năm nay.

Riêng khối 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, năm 2013, các chỉ tiêu kế hoạch về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đều dự kiến cao hơn số thực hiện năm 2012, tuy nhiên, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm.

Trong đó, đáng chú ý, doanh thu đặt ra chỉ đạt 95,8% so với thực hiện năm 2012, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách chỉ đạt khoảng 79% so với thực hiện năm 2012.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng suy giảm về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2013 là khá rõ ràng, có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam

Ngày 16/1/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức thăm Việt Nam, quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức vào cuối tháng 12/2012. Chuyến thăm của thủ tướng Nhật và phu nhân được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân.

Một trong những nội dung chính của chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật chính là việc Thủ tướng hai nước tuyên bố khai mạc năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tại buổi họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 16/1, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, 2 thủ tướng đã nhất trí phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước một cách toàn diện hơn, cũng như làm nhiều hơn nữa vì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Theo Thủ tướng Abe, hai bên đã nhất trí về việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chính phủ Nhật Bản cam kết viện trợ 500 triệu USD; tiếp tục việc đối thoại về chính trị, an ninh; và đặc biệt là tăng cường giao lưu nhân dân trong dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chính thức ký kết hợp đồng EPC Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn

Ngày 15/1, Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Lọc Hoá Dầu Nghi Sơn tổ chức Lễ ký thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam, các văn bản liên quan, thư trao thầu EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có diện tích 400ha được xây dựng trên địa điểm Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Tỉnh Thanh Hoá. Công suất lọc dầu dự kiến đạt 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) với nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Cô-Oét (KEC).

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 9 tỷ USD, trong đó vốn vay dự kiến gần 5 tỷ USD từ JBIC, IFC, NEXI, KEXIM và các tổ hợp ngân hàng trong nước và quốc tế (còn lại là vốn của Chủ đầu tư). Dự kiến, Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ hoàn thành công tác xây dựng vào quý IV/2016 và đi vào vận hành thương mại vào năm 2017.
Các tập đoàn, tổng công ty đã lỗ hơn 17.700 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn và tổng công ty, tổng số lỗ phát sinh năm 2012 khoảng 2.235 tỷ đồng, trong đó có một số tổng công ty năm 2011 lỗ, năm 2012 tiếp tục lỗ. Lỗ lũy kế hơn 17.730 tỷ đồng.

Tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2012 là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011. Tổng tài sản là 2.138.780 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, trong đó tài sản cố định chiếm tỷ trọng 44%.

Nợ phải trả năm 2012 là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần, tăng so với mức 1,77 lần năm 2011. Tổng tài sản trên tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

Theo Chính phủ, số liệu trên cho thấy năm 2012, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, xét riêng, một số tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.

Năm 2012 chính thức xuất siêu 780 triệu USD

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2012 đạt gần 228,36 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% và nhập khẩu là 113,79 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2011.

Như vậy, năm 2012 cả nước xuất siêu 780 triệu USD, trong khi năm 2011 thâm hụt 9,84 tỷ USD và là năm xuất siêu đầu tiên kể từ 1993. Như vậy, con số này gấp hơn 2,7 lần con số Tổng cục Thống kê đã ước tính (284 triệu USD).

Tuy nhiên, thu thuế nhập khẩu năm nay giảm so với năm trước do tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá chịu thuế (đạt 62,76 tỷ USD) giảm 6,5% so với năm 2011.
17.000 doanh nghiệp xây dựng và bất động sản thua lỗ

Theo số thống kê chính thức từ Bộ Xây dựng, trong năm 2012 có 17.000 doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản bị thua lỗ (năm 2011 là 14.998 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, tổng số các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động hoặc giải thể lên đến 2.637 doanh nghiệp (năm 2011 là 2.411 doanh nghiệp); trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%.

Nguồn Khampha


Sự kiện