Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần đầu năm 2013
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012, tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động lại tăng.
Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 69.874 doanh nghiệp, giảm 9,9% so với năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động lại tăng 0,5%, đạt khoảng 54 nghìn doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khu vực nông, lâm, thủy sản là 1 trong 5 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất. Trong năm 2012, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đạt 1.191 doanh nghiệp, giảm 24,3% so với năm 2011, tương đương với mức giảm của doanh nghiệp ngành xây dựng nhưng thấp hơn so với ngành bất động sản.
Số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản phải đóng cửa sản xuất, ngừng hoạt động trong năm 2012 là 1.343 đơn vị, tăng 12,6% so với năm trước.
Một vấn đề ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp là tiếp cận tín dụng khó khăn do chưa giải quyết được nợ xấu đến ngân hàng không dám cho vay mạnh.
Sẽ có nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD ở Bình Định
Tại Diễn đàn Thách thức và Vận hội cho doanh nghiệp năm 2013 được tổ chức tại TPHCM vào ngày 5/1, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết theo kế hoạch vào ngày 10/1 tới ông sẽ cùng nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) sẽ gặp Bộ Công Thương để báo cáo về dự án.
Ông Dũng cho biết, dự án này được tỉnh Bình Định và PTT tìm hiểu, đàm phán với nhau đã 3 năm. Sau quá trình tìm hiểu, nhà đầu tư quyết định chọn Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định vì có vị trí chiến lược, sẵn sàng đất đai và có cảng nước sâu tốt.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cuối tháng 11 qua, PTT - đại diện cho các nhà đầu tư đã trực tiếp báo cáo đề xuất các nội dung liên quan về dự án lọc - hóa dầu nói trên. Ngày 25/12 qua, tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư dự án này.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, Nhà máy lọc hóa dầu sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000 héc ta, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm) với tổng vốn đầu tư khoảng 26,9tỷ USD. Theo đề án nếu được thông qua, toàn bộ công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu, phê duyệt và các thủ tục liên quan khác hình thành để khởi xây dựng nhà máy vào quI/2016. Thời gian xây dựng khoảng 3,5 năm và dự kiến đi vào hoạt động 2019.
Giải ngân vốn ODA cao kỷ lục
Theo thông tin tại cuộc họp báo sáng 4/1 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn ODA được giải ngân trong năm 2012 ước đạt trên 3,6 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, vốn cam kết năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD (cam kết cho năm 2013 đạt gần 6,5 tỷ USD).
Như vậy, tính từ năm 1993 đến nay, tổng lượng vốn ODA cam kết đạt trên 75 tỷ USD, với lượng vốn giải ngân đạt trên 34,5 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng vốn đầu tư phát triển (chiếm trên 10%) và bằng khoảng 3,5% GDP trong thời gian tương ứng.
Có 2 con số về tốc độ tăng GDP năm 2012
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 tăng 6,81%, thấp hơn tốc độ tăng các năm trước và đạt mục tiêu đề ra (dưới 8%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt khoảng 5,03% (nếu tính theo giá cố định năm 1994), nhưng nếu theo giá cố định năm 2010, tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 5,25%.
Giải thích về trước đó chỉ công bố con số 5,03% nhưng nay lại xuất hiện con số cao hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, sau khi được báo cáo 2 con số trên, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thống kê không công bố con số cao bởi khi xây dựng kế hoạch trình Quốc hội thì các con số đều được tính theo mốc so sánh 1994. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, Tổng cục Thống kê sẽ công bố con số tăng trưởng GDP tính theo giá cố định năm 2010.
Thu hút vốn FDI năm 2013 mục tiêu 13-14 tỷ USD
\
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ 1/1/2012 đến 15/12/2012, cả nước có 1.100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm năm 2013 là 13,01 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011. Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011.
Phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài năm nay tập trung vào lĩnh vực sản xuất (chiếm 70%), phù hợp với định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu vốn FDI đăng ký đạt 13 - 14 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỷ USD, tương đương năm 2012.
Với vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài, năm 2012, số vốn đăng ký ước đạt 1,3 tỷ USD và thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011. Năm 2013, đặt mục tiêu vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký đạt 1-1,5 tỷ USD, vốn thực hiện 0,9 - 1 tỷ USD.
Quý I/2013 sẽ có Quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch, trong quý I/2013, Chính phủ sẽ ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Nội dung giám sát rất đa dạng gồm tình hình đầu tư tài sản tại doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động; tình hình phát hành trái phiếu, cổ phiếu (nếu có); tình hình đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài, đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán); hiệu quả việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình quản lý tài sản, công nợ phải thu, công nợ phải trả, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.
Việc giám sát sẽ được thực hiện theo hình thức gián tiếp (trên cơ sở báo cáo định kỳ của doanh nghiệp) và thanh kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp.
Starbucks mở cửa hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào tháng tới
Chuỗi cửa hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đã vạch kế hoạch chi tiết cho việc tiến quân vào thị trường Việt Nam. Theo đó, cửa hiệu Starbucks đầu tiên tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng tới, muộn hơn so với dự kiến ban đầu là vào ngay trong năm 2012.
Trang Market Watch cho hay, Starbucks - công ty có trụ sở tại Seattle, Mỹ - sẽ mở cửa hiệu đầu tiên tại TPHCM cùng với đối tác Hong Kong Maxim’s Group.
Động thái này đánh dấu bước mở rộng hoạt động tiếp theo của Starbucks tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Starbucks hiện có hơn 3.300 cửa hiệu tại hơn 12 quốc gia tại khu vực này, riêng tại Trung Quốc, hãng có khoảng 700 cửa hàng. Trên phạm vi toàn cầu, Starbucks có hơn 18.000 cửa hiệu.
Thành lập Ban Nội chính, Ban Kinh tế Trung ương
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương và quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.
Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban Kinh tế Trung ương và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Vốn đầu tư từ ngân sách năm 2013 sẽ cắt giảm 5.000 tỷ đồng
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong năm 2013, sẽ cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước mạnh hơn những năm trước. Vốn đầu tư từ ngân sách trong 2013 là 175.000 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với 2012, trong khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tương đương năm 2012.
Theo Bộ trưởng, hiện Chính phủ đang tập trung tìm mọi cách để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, thông qua 3 kêch chính gồm: Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng cho doanh nghiệp; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ bản thông qua các hình thức BOT, PPP…; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, FDI.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lại dưới ngưỡng trung bình
Theo báo cáo mới cập nhật của HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12 giảm xuống 49,3 điểm, từ mức 50,5 điểm trong tháng 11. Như vậy, sau duy nhất 1 tháng hồi phục, chỉ số này lại nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm lần thứ tám trong 9 tháng qua.
Sau khi tăng nhẹ vào tháng 11, mức độ sản lượng ngành sản xuất hầu như không thay đổi trong tháng 12. Theo thông tin từ các công ty, nếu sản lượng được duy trì cũng là nhờ nhờ giảm lượng công việc tồn đọng. Các điều kiện thị trường nhìn chung vẫn yếu kém, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ tám liên tiếp và tốc độ giảm ở mức độ lớn hơn so với tháng 11.
Hiệu suất hoạt động yếu kém của lĩnh vực sản xuất còn chưa kịp ảnh hưởng đến thị trường lao động khi các nhà sản xuất vẫn tạo việc làm mới tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12. Mặc dù tốc độ tăng số lượng nhân công nhẹ nhưng đây vẫn là lần tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Số lượng nhân công lớn hơn - cùng với nỗ lực duy trì sản lượng - cũng là một nhân tố cơ bản dẫn đến việc giảm đáng kể lượng công việc tồn đọng.
Chính phủ siết quy chế xử lý rủi ro đối với nợ công
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công nhằm tối ưu hóa cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công.
Cụ thể, việc xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công chỉ áp dụng cho các nguyên nhân khách quan, bao gồm: thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến các chương trình, dự án sử dụng vốn vay thuộc danh mục nợ công; điều chỉnh cơ chế, chính sách kinh tế vĩ mô, sự thay đối các điều kiện về chính tri, pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô và nghĩa vụ nợ công; tác động của kinh tế thế giới và khu vực, biến động của thị trường vốn quốc tế; người vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, người được Chính phủ bảo lãnh vay vốn đã có quyết định giải thể hoặc phá sản, v.v…
Riêng các khoản nợ công bị rủi ro do các nguyên nhân chủ quan như sử dụng vốn sai mục đích và cố ý làm trái quy định; người vay cố tình chây ỳ trả nợ… thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định.
Nguồn Khampha