Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần cuối năm 2012
Ngày 28/12, Liên bộ Tài chính-Công Thương yêu cầu giảm giá bán các chủng loại dầu trong nước (đã bao gồm thuế GTGT) ở nhiệt độ thực tế và ở địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy sản xuất, chế biến xăng dầu 300-500 đồng/lít.
Đồng thời, yêu cầu giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu ở nhiệt độ thực tế là 300 đồng/lít, kg như quy định hiện hành
Việc điều chỉnh giảm giá bán các loại dầu trong nước áp dụng từ 18 giờ ngày 28/12/2012.
Riêng mặt hàng xăng, do chênh lệch giá cơ sở và giá bán hiện hành chưa lớn (39 đồng/lít), Liên Bộ yêu cầu tiếp tục giữ ổn định giá bán xăng trong nước như hiện hành.
Trong tuần, Bộ Công thương cũng công bố điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của năm 2012. Trong danh sách này có những đơn vị giảm tương đối về hạn mức nhập khẩu xăng dầu so với hạn mức tối thiểu được phân giao ban đầu như Petrolimex, PV Oil, Petec, Mipeco, Thanh Lễ...
Thưởng tết tại cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp FDI
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố mức thưởng tết cao nhất theo công bố tới thời điểm hiện tại đều thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, mức thưởng tết cao nhất tại Đà Nẵng là hơn 346 triệu đồng, tại TPHCM hơn 624 triệu đồng, Bình Dương 298 triệu đồng và Bắc Ninh 60 triệu đồng.
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, mức thưởng tết thấp nhất thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh với trên dưới 2 triệu đồng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp năm nay còn không có kế hoạch thưởng tết.
Đáng chú ý, nếu như những năm trước có mức thưởng tết cao thì năm nay hàng loạt ngân hàng đều lên kế hoạch cắt thưởng. Nợ xấu cao, lợi nhuận sụt giảm, nhiều ngân hàng chỉ cam kết có tháng lương thứ 13, chứ không dám nghĩ tới thưởng tết cho nhân viên. Tại diễn đàn Quốc hội gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ cấm các nhà băng trả cổ tức, tăng lương thưởng cho nhân viên nếu không trích lập đủ dự phòng tín dụng để xử lý nợ xấu.
JPMorgan Chase dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2013
Theo JPMorgan Chase, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện từ mức yếu ớt của năm nay. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ được cải thiện, và Việt Nam có thể sẽ thâm hụt thương mại 1 tỷ USD (0,7% GDP dự báo) trong năm 2013. Mức thấp hụt này có thể dễ dàng được bù đắp bởi dòng kiều hối và FDI.
Cũng theo dự báo của ngân hàng này, chỉ số CPI của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, nhưng khó có khả năng đạt mức hai con số trước khi đạt đỉnh vào khoảng giữa năm sau. Đó là do “những yếu kém về cơ cấu sẽ khiến nền kinh tế khó tăng trưởng quá 5,5% trong năm 2013 và các áp lực giá cả nhập khẩu vẫn trong tầm kiểm soát”.
Cũng theo báo cáo này, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 7,8% trong năm 2013 so với mức 9,1% trong năm nay và 18,7% trong năm ngoái.
Bội chi ngân sách “kịch trần” chỉ tiêu
Bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay đã đạt mức 4,8% GDP theo kế hoạch trước đó.
Thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận trong bản báo cáo được trình bày tại Hội nghị Chính phủ mở rộng sáng nay (25/12), tại Hà Nội. Theo báo cáo này, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 ngàn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán và tăng 5,3% so với năm 2011.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước là 904,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với dự toán và tăng 14,6% so với năm 2011. Với kết quả đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán là "bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP". Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng "nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn cho phép".
Chính phủ sẽ bơm hàng chục nghìn tỷ đồng tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp
Sáng 25/12, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày Dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Với nhóm giải pháp giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự thảo đề ra mục tiêu giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng.
Các giải pháp này trị giá khoảng 31.000 tỷ đồng, cộng với 3.000 tỷ đồng giảm tiền thuê đất, Chính phủ cho hay.
Về vốn tín dụng, sẽ tiếp tục hạ lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát. Có giải pháp hỗ trợ tín dụng với nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay các đối tượng kinh doanh nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu kiềm chế lạm phát 2013 ở khoảng 6-6,5%
Trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 26/12, Thủ tướng yêu cầu các bộ chức năng kiểm soát giá ngay trong quý I này vì lạm phát thường cao vào tháng Tết. Tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát. Lạm phát năm nay ở 6,81%, theo Thủ tướng, năm sau phải kiểm soát ở mức thấp hơn (khoảng 6-6,5%).
Đồng thời, yêu cầu Thống đốc điều hành cung ứng tiền hợp lý để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Về thu ngân sách, Thủ tướng đề nghị năm tới các bộ, tỉnh đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.
Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành có giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường, sử dụng ít năng lượng để tạo ra chuyển dịch cơ cấu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với 3 khâu đột phá. Trong đó, với đầu tư công, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tỉnh khắc phục đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, phải tập trung kiểm soát, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả, nâng cao tổ chức quản trị và đặc biệt phải rà soát lại nhân sự, phương án cổ phần hóa.
Tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ năm 2000
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.
Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011 nhưng theo Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, số vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.
Lạm phát cả năm 2012 là 6,81%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12 tăng 0,27% so tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011.
Trong tháng 12, có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng 11 là viễn thông và bưu chính viễn thông với mức giảm lần lượt 0,43% và 0,02%.
Như vậy trong năm 2012, lạm phát đã được kiềm chế trong mục tiêu cho phép. So với các năm trước, lạm phát 2012 xấp xỉ mức tăng 6,52% của 2009 và thấp hơn nhiều so vớ mức tăng 2010 và 2011.
Nguồn Khampha