Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật trong tuần
Lần thứ 3 trong tháng 8, ngày 28/8, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng với mức tăng 650 đồng/lít với xăng và 300 - 450 đồng/lít với dầu. Tính từ đầu năm, đây là lần thứ 5 tăng giá xăng dầu.
Theo Liên Bộ Tài chính - Công thương, mức điều chỉnh này chỉ tương đương 50% so với mức tăng doanh nghiệp đề xuất ban đầu.
Liên Bộ cũng thống nhất cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn 500 đồng/lít xăng, tăng thêm 200 đồng so với lần sử dụng trước, và 300 đồng/lít dầu thay vì không sử dụng trước đó. Đồng thời, doanh nghiệp tạm thời ngừng tính 300 đồng lợi nhuận định mức cho mỗi lít xăng dầu. Đến thời điểm điều chỉnh giá, quỹ bình ổn xăng dầu có 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn được giữ nguyên từ đầu tháng 7 tới nay, ở mức 10-12%.
Giải thích cho lý do không giảm thuế nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, mức thuế hiện nay đang thấp hơn barem thuế, trong khi đó năm nay cũng phải thực hiện nhiều cân đối về ngân sách và chịu một số áp lực khác từ các yếu tố bên ngoài...
Theo vị này, xăng và dầu hỏa quy định thuế phải 20%, nay mới ở mức 12%. Diesel quy định mức đáng ra phải là 15%, mới để mức 10%. Mazut quy định 15% vẫn để 12%.
Sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp taxi khẳng định sẽ tăng cước trong vài ngày tới. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu tăng lần này sẽ làm CPI tăng khoảng 0,199%.
Giá gas tăng 51.000 đồng/bình từ 1/9
Từ ngày 1/9, giá gas tăng thêm 51.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 7. Theo đó, giá gas bán lẻ phổ biến tại khu vực TPHCM mức 418.000 - 420.000 đồng/bình 12kg.
Các doanh nghiệp kinh doanh gas cho hay, giá nhập khẩu gas thế giới trong tháng 9 tăng thêm 175 USD/tấn (lên mức 950 USD/tấn) so với tháng trước, là nguyên nhân khiến tăng giá.
Liên tiếp hai tháng vừa qua, giá gas trong nước tăng thêm 103.000 đồng/bình 12kg.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tiếp tục giảm tốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/8/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Mức tăng này vẫn lớn hơn mức tăng của cùng thời điểm năm trước (tại 1/8/2011, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 17,8% so với cùng thời điểm năm 2010), tuy nhiên đây là tháng thứ 5 liên tiếp tốc độ tăng của chỉ số tồn kho giảm.
Trước việc chỉ số tồn kho còn ở mức cao, ngày 17/8 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2012 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến 7 tháng đầu năm cũng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bội chi ngân sách đến 15/8 ước 115,5 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2012 ước tính đạt 418,5 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách từ đầu năm đến 15/8/2012 ước tính đạt 534 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán năm.
Như vậy, bội chi ngân sách đến ngày 15/8 ước khoảng 115,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng hơn 82% kế hoạch bội chi cả năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt.
Số doanh nghiệp mới tháng 8 tăng so với tháng 7
Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 8/2012, cả nước có 6.118 doanh nghiệp được thành lập mới, với vốn đăng ký 73.597 tỷ đồng, tăng 3,32% về số lượng và tăng 161,33% về vốn đăng ký so với tháng 7/2012.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,64%, nhưng tăng 81,84% về vốn đăng ký.
Nguồn Khampha