Chủ Nhật | 01/07/2012 09:12

Tổng hợp tin hàng hóa thế giới tuần từ 25/6 - 1/7

Thị trường hàng hóa chốt tuần tăng điểm mạnh sau các phiên giao dịch nhiều biến động theo tình hình tại châu Âu.
Tuần này, hàng hóa thế giới dao động khá mạnh trước các biến động tại khu vực châu Âu. Nếu trong 3 phiên đầu tuần, chỉ số GSCI của Standard & Poor đo lường giá 24 loại mặt hàng thô tăng khá ổn định trong khoảng từ 568 lên 577 điểm, thì đến phiên ngày 28/6, chỉ số này lại sụt giảm do lo ngại về hội nghị thượng đỉnh châu Âu đang diễn ra. Các nhà đầu tư lo ngại rằng một số bất đồng có thể nảy sinh giữa các nước thuộc khối đồng tiền chung (eurozone) sẽ làm ảnh hưởng đến việc đưa ra biện pháp kiềm chế khủng hoảng nợ của khu vực.

Tuy nhiên, sau khi hội nghị kết thúc với những kết quả khả quan, phiên cuối tuần ngày 29/6, giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trở lại.

Cụ thể chỉ số GSCI của Standard & Poor đo lường 24 loại nguyên liệu thô phiên cuối tuần tăng 5,6%,  lên 599,44 điểm, mạnh nhất kể từ ngày 2/4/2009. Phiên tăng điểm ngày 29/6 đã làm nhẹ đi phần nào mức giảm trong quý này, chỉ số GSCI tính trong quý giảm 13%, tuy nhiên vẫn là tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2008. Các hàng hóa giảm mạnh nhất quý là cà phê, bông và dầu. Tính từ đầu năm, chỉ số GSCI đã giảm hơn 7%.

Giá hàng hóa tăng mạnh cùng đà tăng của chứng khoán toàn cầu sau khi hội nghị thượng đỉnh châu Âu 2 ngày 28-29/6 diễn ra tại Brussel kết thúc. Các lãnh đạo khối liên minh châu Âu đã nhất trí đưa ra gói cứu trợ 120 tỷ euro và chấp nhận giảm nhẹ các điều khoản cứu trợ khẩn cấp cho Tây Ban Nha. Theo đó cho phép các chính phủ được quyền ưu tiên trả nợ trước với các khoản vay cho các ngân hàng khó khăn của Tây Ban Nha.

 Diễn biến của chỉ số S&P GSCI trong 6 tháng qua

Nguồn: Bloomberg
Nguồn: Bloomberg

Dầu thô

Đóng cửa phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 tại New York tăng 6,5% so với cuối tuần trước, đóng cửa ở 84.96 USD/thùng, tăng mạnh nhất kể từ ngày 12/3/2009. Trong năm nay giá đã giảm 14% và giảm 18% trong quý này.

Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao tháng 8 tăng 7,5% so với cuối tuần trước, lên chốt tuần ở  97,8 USD/thùng. Giá dầu Brent đã giảm 20% kể từ ngày 30/3, và cũng ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ quý I/2008.

Ngoài ảnh hưởng từ phía hội nghị thượng đỉnh châu Âu, giá dầu tăng trong tuần này cũng bởi lệnh cấm mua bán, vận chuyển, giao dịch tài chính và bảo hiểm dầu Iran của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Vàng

Vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn Comex phiên cuối tuần tăng 1,8% so với cuối tuần trước, giao dịch chốt ở 1.604,2 USD/oz, mạnh nhất kể từ ngày 1/6. Tính trong tháng này, giá vàng đã tăng tổng cộng 2,6%, tháng tăng đầu tiên kể từ đầu năm nay.

Trong tuần qua, các nhà đầu tư, các quỹ ETPs tích cực mua vàng đầu cơ giá lên. Đồng thời số liệu cũng cho thấy ngân hàng trung ương các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan tăng cường mua vàng tích trữ trong tháng 5.

Kim loại cơ bản

Đồng giao tháng 9 tăng 5% lên 3,4965 USD/pound trên sàn Comex, mạnh nhất kể từ ngày 30/11/2011. Tính trong tuần này, giá đồng tăng tổng cộng 5,5%, mạnh nhất kể từ đầu năm.

Nông sản

Giá ngô tăng mạnh tại sàn New York trong bối cảnh thời tiết khô hạn tại miền Tây nước Mỹ đe dọa sản lượng mùa màng. Tuần này, ngô giao tháng 12 tại sàn Chicago tăng tổng cộng 15%, chốt phiên cuối tuần ở 6,35 USD/giạ. Giá lúa mỳ tăng 8,6% so với cuối tuần trước, chốt tuần ở 7,57 USD/giạ.

Nguồn DVT/Tổng hợp


Sự kiện