Tổng hợp thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 13 - 18/8/2012
Ngoài ra, thủ tướng Ôn Gia Bảo tuần qua vừa đưa tín hiệu về một gói kích thích mới chính phủ Trung Quốc, làm triển vọng nhu cầu về hàng hóa nguyên liệu trở nên sáng sủa hơn. Tuy nhiên, đà tăng của giá hàng hóa bị hạn chế phần nào sau số liệu GDP yếu kém của eurozone.
Chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 loại hàng hóa có 3 phiên tăng điểm trong tuần, chốt tuần ở 667,56 điểm, tăng 1,7% so với tuần trước.
Giá dầu liên tục tăng 4 phiên cuối tuần. Giá dầu Brent tăng gần 2% phiên ngày 15/8 khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu Mỹ giảm 3,7 triệu thùng tuần trước, tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị leo thang tại Syria, tranh cãi về chương trình hạt nhân Iran và tình trạng nguồn cung dầu Biển Bắc ngưng trệ là những yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng nhiều ngày gần đây.
Đóng cửa phiên cuối tuần, giá dầu thô giao tháng 9 tại New York tăng 3,4% so với cuối tuần trước, giao dịch ở 96,01 USD/thùng. Tính từ đầu tháng, giá dầu thô tăng tổng cộng 9%.
Tại London, giá dầu Brent giao tháng 10 đóng cửa phiên cuối tuần ở 113,75 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 vừa hết hạn vào tuần này.
Vàng
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 chốt phiên cuối tuần ở 1.619,4 USD/oz. Tính trong tuần này, giá vàng kỳ hạn giảm 0,2%.
Giá vàng biến động nhẹ trong tuần, khối lượng giao dịch thấp khi thị trường hoài nghi triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa gói nới lỏng tiền tệ lần 3 (QE3), nhân tố có thể đẩy giá vàng lên cao. Khảo sát bởi Reuters cho thấy hi vọng của thị trường vào khả năng Fed đưa kích thích chỉ giảm còn 60% do hàng loạt các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế gần đây.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng có triển vọng tăng trong tuần tới do vẫn ở trên ngưỡng 1.600 USD/oz.
Kim loại cơ bản
Trên sàn Comex, đồng kỳ hạn tháng 9 chốt tuần ở 3,4195 USD/pound, tăng 0,8% so với cuối tuần trước.
Giá đồng giảm phiên đầu tuần nhưng phục hồi lại vào 4 phiên sau đó khi nhà đầu tư chờ đợi kích thích từ Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, số liệu gần đây nhất cho thấy dự trữ đồng trong các kho của sàn LME giảm xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 6, cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang tăng trở lại.
Nông sản
Giá ngô, đậu tương Mỹ ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong 4 tuần khi giá cao làm mất sức cạnh tranh của nông sản Mỹ trên thị trường thế giới. Các nước nhập khẩu chính chuyển sang các nguồn cung thay thế khác với giá rẻ hơn.
Trên sàn Chicago, ngô giao tháng 12 đóng cửa ở 8,07 USD/giạ phiên cuối tuần, giảm 0,2% so với cuối tuần trước. Hợp đồng đậu tương giao tháng 11 giảm 1% so với tuần trước, chốt tuần ở 16,25 USD/giạ.
Ngược lại, lúa mỳ giao tháng 9 tăng giá 1% so với tuần trước, chốt tuần ở 8,94 USD/giạ do nguồn cung lúa mỳ xuất khẩu tại Nga bị đe dọa bởi hạn hán.
Hàng hóa mềm
Trên sàn ICE, giá bông chốt tuần ở 73,3 cent/pound, tăng 0,4% so với tuần trước.
Giá cà phê arabica tiếp tục lao dốc tuần này khi nguồn cung từ Brazil và Colombia dồi dào trong khi sức mua yếu. Tồn kho cà phê arabica trên sàn ICE đã lên gần 1,85 triệu bao và liên tục tăng lên mỗi ngày. Giá cà phê arabica giao tháng 9 chốt tuần ở 160,3 cent/pound, giảm 3,6% so với cuối tuần trước.
Cũng như cà phê, giá đường tuần này tiếp tục giảm mạnh, đường giao tháng 10 chốt tuần ở 20,18 cent/pound, giảm 2,7% so với cuối tuần trước.
Trái lại, giá cacao liên tục tăng mạnh trong vài tuần gần đây, hợp đồng cacao giao tháng 9 chốt tuần ở 2.487 USD/tấn, tăng 1,8% so với cuối tuần trước.
Nguồn Tổng hợp/KhamPha