Tổng hợp thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tuần 15-21/4/2013
Tiếp sau đó, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Trong đó, dự báo tốc độ tăng trưởng Mỹ bị hạ từ 2% xuống 1,9%, Trung Quốc từ 8,2% xuống 8%, tốc độ tăng trưởng EU giảm 0,3% mạnh hơn so với dự báo 0,2% hồi tháng 1. Đây là nguyên nhân khiến giới đầu tư thiếu niềm tin vào nhu cầu sử dụng, tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất toàn thế giới, kéo theo giá lao dốc mạnh.
IMF cũng dự báo giá hàng hóa nguyên liệu giảm 2% trong năm nay. Trong đó, giá năng lượng giảm 3%, lương thực thực phẩm giảm 2%, nhưng giá kim loại tăng 3%.
Chỉ số S&P GSCI tuần này giảm 2,5% xuống 607,5 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Giá hàng hóa giảm dẫn đầu là mặt hàng kim loại quý, đồng, chì.
Dầu thô
Trên sàn Nymex, giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm 3,9% chốt tuần tại 87,73 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6 trên sàn ICE cũng giảm 3,3% xuống còn 99,65 USD/thùng.
Trong tuần chứng kiến phiên giá dầu thô lao dốc xuống 86,68 USD/thùng, thấp nhất 4 tháng. Giá dầu Brent cũng lần đầu tiên xuống dưới 100 USD/thùng trong vòng 9 tháng. Chênh lệch giá dầu Brent và dầu thô WTI trong tuần có lúc thu hẹp nhất gần 15 tháng đạt 10,72 USD/thùng.
Giá dầu giảm do thông tin nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo sản lượng dầu thô nước này trong tuần kết thúc ngày 12/4 tăng 0,4% lên 7,2 triệu thùng/ngày, cao nhất hơn 20 năm qua. Tăng trưởng kinh tế các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU chậm lại hạn chế nhu cầu tiêu thụ trong tương lai.
Giá dầu phục hồi 2 ngày cuối tuần nhờ số liệu cho thấy giá đã giảm quá mạnh do nhà đầu tư bán tháo. Đồng USD giảm cũng đẩy giá hàng hóa đi lên
Vàng
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex giảm hơn 7%, chốt tuần tại 1.395,6 USD/oz. Đặc biệt trong 2 phiên 15, 16/4, giá vàng lao dốc hơn 13% xuống thấp nhất gần 2 năm. Giá vàng giảm chủ yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, trong đó có nhà tiêu thụ lớn Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, giá vàng giảm do hiện giá thị trường quá cao so với giá trị thật.
Quỹ tín thác SPDR Gold Trust có tuần bán vàng 9 phiên liên tiếp, tổng cộng hơn 82 tấn vàng. Từ đầu năm đến nay, quỹ bán ròng 228 tấn vàng trong khi năm ngoái mua ròng 96,25 tấn. Lượng nắm giữ vàng của SPDR Gold Trust hiện thấp nhất 3 năm.
Cuối tuần, giá vàng phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên không đủ bù đắp lượng sụt giảm đầu tuần. Giá tăng nhờ lực mua vàng vật chất mạnh. Người dân Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản ồ ạt mua vàng xu, vàng thỏi, vàng trang sức nhân lúc giá xuống thấp.
Đồng
Giá đồng giảm mạnh sau số liệu kinh tế gây thất vọng của Trung Quốc hồi đầu tuần. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, trong đó tiêu thụ đồng chiếm 40% lượng đồng tinh luyện toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 5,6% so với tuần trước, chốt tuần tại 6.990 USD/tấn. Mức giảm theo tuần này mạnh nhất kể từ ngày 16/12/2011. So với mức đỉnh hồi tháng 2/2012, giá giảm hơn 20%, chứng tỏ đồng đã rơi vào thị trường giá xuống cùng với kim loại quý, đường, cà phê.
Theo Citigroup, nguồn cung đồng sẽ vượt cầu khoảng 341.000 tấn trong năm nay, cao hơn mức năm ngoái là 238.000 tấn. Dự trữ đồng tại sàn LME và Thượng Hải đều lên cao kỷ lục.
Ngũ cốc, hạt có dầu
Thị trường ngũ cốc có những phiên tăng giảm đan xen trong tuần phụ thuộc vào thông tin dự báo thời tiết các khu vực sản xuất chính của Mỹ. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ khá hạn chế, đặc biệt từ Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cộng với dịch cúm gia cầm làm giảm đáng kể nhu cầu nước này đối với ngũ cốc.
Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 7 giảm 1,3% xuống còn 6,33 USD/giạ, giá lúa mì giao tháng 7 giảm 1,1% chốt tuần tại 7,115 USD/giạ. Trong khi đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng nhẹ 0,2% lên 13,825 USD/giạ.