Tổng hợp một số cổ phiếu sinh lời tốt nhất trên thị trường chứng khoán
Bất chấp các khó khăn kinh tế vĩ mô, 9 tháng đầu năm 2012, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) báo lãi ròng 4.171 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Giá cổ phiếu VNM hiện cao thứ hai trong số 704 cổ phiếu niêm yết với EPS 9 tháng lên tới 7.500 đồng.
Với thông tin chia thưởng cổ phiếu 2:1, gần đây, giá cổ phiếu VNM đã tăng trên 30%, bất chấp xu hướng điều chỉnh của thị trường. So với thời điểm VN-Index đạt đỉnh 1.170 điểm vào tháng 3/2007, chỉ số chứng khoán chung đã giảm tới 70%, nhưng giá cổ phiếu VNM lại tăng gấp đôi, chưa tính đến việc trả cổ tức đều đặn 30% mệnh giá/năm. Nếu tính từ mức đáy vào tháng 2/2009, cổ phiếu VNM đã tăng giá gần 700%.
Bên cạnh đó, ngành thực phẩm vẫn còn nhiều cổ phiếu khác chiến thắng thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu VCF của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa - một trong những công ty chiếm thị phần cà phê hòa tan lớn nhất thị trường nội địa - đã tăng giá 63% trong vòng 10 tháng qua. Sau khi Masan Group (MSN) thâu tóm thành công VCF, Vinacafé Biên Hòa đã công bố chiến lược kinh doanh mới nhằm thống lĩnh thị trường cà phê hòa tan Việt Nam vào năm 2016.
Ngành dầu khí: PV GAS
Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty cổ phần Khí Việt Nam - PV Gas chào sàn vào cuối tháng 5/2012, đúng thời điểm thị trường điều chỉnh. 6 tháng qua, GAS là một trong các cổ phiếu giữ giá tốt nhất thị trường. So với mức giá tham chiếu chào sàn, dù thị trường chung điều chỉnh nhưng cổ phiếu GAS đã tăng giá khoảng 10%.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, 9 tháng đầu năm nay, PV Gas lãi 7.317 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Là công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PV Gas là công ty có độc quyền thu gom và phân phối khí tại Việt Nam - một ngành có rào cản gia nhập rất cao, PV Gas hiện không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. PV Gas cũng đang nắm giữ nhiều kỷ lục của TTCK Việt Nam: công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất, công ty đạt con số lợi nhuận tuyệt đối cao nhất, công ty nắm giữ nhiều tiền mặt nhất.
Bên cạnh PV Gas, Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling ( PVD) cũng có kết quả kinh doanh cao. 9 tháng đầu năm 2012, PVD ước lợi nhuận hợp nhất đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 30%, xấp xỉ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2012.
Báo cáo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt nhận xét, giá giao dịch của PVD đang được chiết khấu 50% so với các công ty cùng ngành tại châu Á. Trao đổi với báo Đầu tư chứng khoán, ông Phạm Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PVD cho biết, để có được sự tăng trưởng bền vững trong giai đoạn khủng hoảng, ngay từ đầu, PV Drilling đã xác định chiến lược phát triển và mục tiêu đúng đắn qua việc tập trung mọi nguồn lực vào mảng cung cấp giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí.
Ngành dược: Dược Hậu Giang
Cổ phiếu ngành dược được xem là cổ phiếu phòng thủ vì nhu cầu ít suy giảm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. 9 tháng đầu năm nay Công ty cổ phần Dược Hậu Giang ( DHG) công bố lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đạt 421 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu DHG đã tăng giá khoảng 15%.
Một doanh nghiệp khác của ngành dược cũng đạt được kết quả kinh doanh tốt là Công ty cổ phần Traphaco (TRA). 9 tháng đầu năm nay, thương hiệu đông dược nổi tiếng nhất thị trường nội địa báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt gần 6.500 đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, TRA có mức tăng giá 118%.
Ngành sản xuất: Cổ phiếu cao su thành phẩm
Như thường lệ, khi các doanh nghiệp cao su tự nhiên suy giảm lợi nhuận vì giá bán giảm thì cổ phiếu vỏ xe lên ngôi. 9 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina - mã CSM) thông báo lãi 186 tỷ đồng, tăng 9,5 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng ( DRC) thông báo đã vượt 26% kế hoạch năm sau 9 tháng với con số lãi ròng đạt 218 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Dù đã giảm khá mạnh sau khi đạt đỉnh, nhưng mức sinh lời thực tế của hai cổ phiếu CSM và DRC từ đầu năm đến nay tương ứng là 147% và 45%.
Nguồn Đầu tư chứng khoán